4.0 và phép thử quản lý Facebook, Netflix, Spotify...

28/10/2024 | Xã hội số
Nội dung số đang là tương lai của nền kinh tế số toàn cầu. Quản lý công nghiệp nội dung số trên Internet như thế nào là một phép thử quan trọng cho Chính phủ nếu muốn hiện thực hóa tham vọng 4.0 của mình.
4.0 và phép thử quản lý Facebook, Netflix, Spotify...

Chia sẻ

Nội dung số - tương lai của kinh tế số toàn cầu

40 va phep thu quan ly facebook netflix spotify

Phim trên giao diện của Netflix. Ảnh chụp màn hình.

Năm 2018 chứng kiến những sự kiện khẳng định thêm sự trỗi dậy của các công ty công nghệ kinh doanh nội dung số cũng như cả ngành công nghiệp nội dung số - trên bình diện toàn cầu cũng như ở Việt Nam.

Trước hết là sự kiện vào giữa năm, khi Facebook công bố sở hữu bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh trong ba mùa bóng, với giá trị khoảng 200 triệu bảng Anh, cho bốn nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan và lên kế hoạch phát trực tuyến trên Facebook cho người hâm mộ ở các quốc gia này.

Trước đó, vào tháng 3, Spottify - kho nhạc với hơn 35 triệu bài hát có bản quyền - chính thức cung cấp dịch vụ cho người dùng ở Việt Nam. Netflix - dịch vụ xem phim có bản quyền trực tuyến - cũng tăng cường chạy đua thu hút người dùng ở Việt Nam. Trên bình diện toàn cầu, Netflix chứng tỏ sức mạnh của mình khi vượt mặt các hãng phim gạo cội ở các hạng mục đầu tư cho sản xuất các series phim gốc để phát trực tuyến cho người dùng.

Sự trỗi dậy của các mô hình kinh doanh mới là xu hướng rõ ràng được định hình: các dịch vụ nội dung cung cấp cá nhân hóa theo yêu cầu đến người dùng trên nền tảng Internet. Từ nghe nhạc (đại diện tiêu biểu là Spotify), xem phim (dẫn đầu là Netflix), đến giải trí tổng hợp như Youtube (của Google) và Facebook. Internet đã xóa nhòa đường biên giới của quốc gia khi nhà cung cấp dịch vụ có thể kinh doanh để phục vụ khách hàng trên toàn cầu. Bất kể là người Mỹ, người châu Âu, người châu Phi hay Việt Nam, với một kết nối Internet tốt là có thể đăng ký tài khoản và sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp từ bất kỳ đâu trên thế giới.

Trên khía cạnh kinh tế, báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy, trong chuỗi giá trị dịch vụ Internet, thị phần của dịch vụ nội dung số cũng ngày càng gia tăng. Phần trăm doanh thu từ các nhà cung cấp phần cứng, thiết bị (máy tính, điện thoại; thiết bị viễn thông...); doanh thu từ dịch vụ kết nối (Internet, viễn thông) đang giảm dần, trong khi đó doanh thu từ kinh doanh nội dung trên Internet đang ngày càng gia tăng. Nội dung số, do đó đang là tương lai của nền kinh tế số toàn cầu.

Cần tư duy lại cách thức quản lý

40 va phep thu quan ly facebook netflix spotify

Việc sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình được coi là bước đi mới của Chính phủ trong việc cập nhật các chính sách quản lý mới cho lĩnh vực nội dung trên Internet. Dù ý định cập nhật các giải pháp quản lý của Chính phủ với các bước tiến mới của thực tiễn là phù hợp, nhưng các giải pháp chính sách đưa ra trong dự thảo nghị định này lại không nhận được nhiều sự đồng thuận từ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số.

Đáng chú ý nhất, các doanh nghiệp đều cho rằng, cơ quan soạn thảo nghị định - đầu mối là Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn giữ tư duy cũ và đi theo hướng quàng các gánh nặng, đặc biệt là điều kiện gia nhập thị trường và giấy phép kinh doanh, vào các doanh nghiệp mới. Câu chuyện quản “taxi công nghệ” (Uber, Grab) như quản “taxi truyền thống” lại lặp lại rõ ràng với các platform (nền tảng) kinh doanh dịch vụ nội dung số. Chẳng hạn, Facebook, khi phát sóng giải bóng đá ngoại hạng Anh và hiện tại cũng đang phát các video của người dùng tự sản xuất nội dung, có phải là đài truyền hình không? Có cần bắt Netflix phải hoạt động như một đài truyền hình truyền thống không? Nếu áp dụng các quy định như đài truyền hình truyền thống, đồng nghĩa với việc phải phát sóng các nội dung bắt buộc (nội dung quảng bá chính sách của Đảng, Nhà nước... chẳng hạn) theo một tỷ lệ thời lượng nhất định; rồi cũng phải phát phim Việt theo tỷ lệ; phải biên dịch sang tiếng Việt các nội dung nước ngoài... Các quy định này quàng thêm cái ách, mà chính các nhà đài truyền thống đã cảm thấy không phù hợp, lên các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình mới.

Hướng tiếp cận như dự thảo sửa đổi không thúc đẩy Việt Nam “bắt kịp chuyến tàu” 4.0 - khuyến khích các doanh nghiệp trong nước khởi nghiệp, sáng tạo, đi theo các mô hình kinh doanh công nghệ mới. Các quy định nói trên thực chất là tạo ra rào cản gia nhập thị trường, làm tăng chi phí của doanh nghiệp Việt Nam. Thứ hai, trong khi Chính phủ đang thúc đẩy bãi bỏ các giấy phép và điều kiện kinh doanh không hợp lý, thúc đẩy tiếp cận quản lý chuyển từ “tiền kiểm” ( bằng giấy phép, điều kiện gia nhập thị trường...) sang hậu kiểm thì việc duy trì tư duy “tiền kiểm” rất đậm đặc trong dự thảo nghị định rõ ràng là trái với tinh thần đổi mới quản lý của Chính phủ.

Các câu hỏi nên bắt đầu trước khi làm chính sách

Nhà nước, mà đại diện ở đây là Chính phủ, khi ra một văn bản quản lý mới cần phải nhận biết được vấn đề mà các hoạt động kinh doanh mới gây ra là gì, sau đó mới đề xuất giải pháp chính sách để xử lý; chứ không phải cứ thấy loại hình kinh doanh nào mới là phải quản như kiểu cũ.

Với các hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới, có thể thấy hai câu hỏi đặt ra cho Chính phủ. Thứ nhất là thu thuế thế nào với các doanh nghiệp nói trên? Bởi đã kinh doanh, phát sinh lợi nhuận thì phải chịu thuế. Đó cũng là đảm bảo tính công bằng với các doanh nghiệp - dù là doanh nghiệp nước ngoài hay Việt Nam đang kinh doanh ở Việt Nam. Bắt buộc các doanh nghiệp này phải thực hiện nghĩa vụ thuế là yêu cầu chính đáng và chắc chắn, không doanh nghiệp nào có thể phản ứng hay kêu ca về điều đó.

Câu hỏi thứ hai: các vấn đề mà các doanh nghiệp gây ra khi hoạt động là gì? Chẳng hạn, liệu nội dung đó có xâm hại người dùng Việt Nam không (có nội dung bạo lực, đồi trụy, kích động hận thù, phân biệt chủng tộc, tôn giáo... hay không?). Và giả sử nếu có vấn đề, thì các quy định hiện tại trong hệ thống pháp luật (Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, và các luật chuyên ngành khác (Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng...) đã đủ khả năng xử lý chưa? Có cần thêm các quy định mới hay không?

Rõ ràng hiện nay Chính phủ, mà trực tiếp là Bộ Tài chính (liên quan đến thuế), Bộ Thông tin và Truyền thông (liên quan đến quản lý nội dung) đều chưa có được những đánh giá và thông tin đầy đủ về các câu hỏi nêu trên.

Bởi vậy, với riêng Nghị định 06, sửa đổi như dự thảo nghị định hiện nay đề xuất là chưa chín muồi, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Chính phủ, trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông, nên xem xét lại toàn bộ cách quản lý lĩnh vực nội dung số để tham mưu và đề xuất Chính phủ có một khung pháp lý tiếp cận thống nhất cho toàn bộ lĩnh vực này. Nếu vậy, không chỉ Nghị định 06, cả Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27 sửa Nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng cũng cần rà soát và sửa đổi cho thống nhất.

Định hướng của Thủ tướng Chính phủ là rất rõ ràng - cách mạng 4.0 cần bắt đầu từ “cách mạng” chính sách. Trong 4.0, nội dung số thực sự là ngành kinh tế tiềm năng cho Việt Nam. Nếu muốn có 4.0, khung khổ pháp lý cho nó rõ ràng cần một cuộc “đổi mới” căn bản.

Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS)

Theo Vietnambiz

Author

Nguyễn Quang Đồng

Nguyễn Quang Đồng