Toàn cảnh chính sách dữ liệu tại Việt Nam

25/04/2025 | Xã hội số
Ngày 17/4 vừa qua, đại diện của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) – bà Trần Thị Tuyết – đã có phần trình bày tại Tọa đàm đối thoại Đối tác Dữ liệu mở châu Á 2025, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Dữ liệu mở châu Á Asia Open Data Partnership lần thứ 11.
Toàn cảnh chính sách dữ liệu tại Việt Nam

Chia sẻ

Với chủ đề “Toàn cảnh chính sách dữ liệu tại Việt Nam”, bà Tuyết mang đến góc nhìn cập nhật về những chuyển biến đáng chú ý trong cách tiếp cận và điều chỉnh hoạt động quản lý dữ liệu, đặc biệt là các xu hướng và chính sách mới đang định hình thị trường dữ liệu tại Việt Nam.

Theo chia sẻ từ bà Tuyết, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện khung pháp lý về dữ liệu, với những chuyển động đáng chú ý nhằm xây dựng một hành lang pháp lý tiệm cận thông lệ quốc tế, đồng thời tạo nền tảng hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực dữ liệu và công nghệ số. Những cải tiến này không chỉ mở ra dư địa phát triển cho các doanh nghiệp công nghệ, mà còn đặt ra các yêu cầu mới về tuân thủ, đặc biệt liên quan đến chia sẻ dữ liệu xuyên biên giới và bảo đảm an toàn thông tin.

Với cộng đồng doanh nghiệp, nhiều tín hiệu tích cực đang mở ra như việc hoàn thiện khung pháp lý cho kinh doanh dữ liệu, triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho các dịch vụ mới, hay tiềm năng phát triển các mô hình dịch vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân và xếp hạng tín nhiệm về bảo vệ dữ liệu - những lĩnh vực hứa hẹn trở thành thị trường mới đầy tiềm năng. Đây có thể là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước thử nghiệm các mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu tại thị trường Việt Nam.

Sự kiện lần này đánh dấu năm thứ tư liên tiếp IPS tham gia AODP, thể hiện cam kết lâu dài của IPS trong việc đóng góp vào các cuộc đối thoại chính sách dữ liệu ở cấp độ khu vực và quốc tế.