Một câu chuyện hư cấu...
Khuya lắm rồi, trong cái lạnh của đêm đông giáp Tết Ất Sửu, Chánh án Tòa phúc thẩm Minh Triết vẫn ngồi trầm ngâm bên bàn trà. Là giáo sư luật học, tuổi đã hơn 70, ông đảm nhiệm cương vị cao cả này được vài năm. Đợt này ông không thôi suy nghĩ về vụ kiện mà tòa đang xem xét. Bà Tình có ngôi nhà gỗ lâu đời đã bị cháy toàn bộ cùng tài sản do lỗi sơ ý của nhân viên một công ty đến sửa hệ thống điện. Bà đệ đơn ra toà đòi bồi thường thiệt hại ngôi nhà, tài sản và thiệt hại do bị sốc về tinh thần khi phải chứng kiến ngôi nhà của mình bị thiêu rụi. Công ty đồng ý bồi thường thiệt hại về tài sản, nhưng từ chối bồi thường cho cú sốc tinh thần. Toà sơ thẩm cũng đồng ý với lập luận của bị đơn và bác nội dung kiện đòi bồi thường tinh thần. Bà Tình không đồng ý và kiện tiếp lên Toà phúc thẩm.
Ông Chánh án đã nghiền ngẫm nội dung vụ kiện nhiều ngày, trao đổi với thư ký tòa, “lệnh” cho trợ lý ảo trí tuệ nhân tạo (AI) tìm kiếm, tổng hợp các vụ kiện tương tự. Từ khi lần đầu tiên được đưa vào ứng dụng trong ngành tòa án năm 2022, qua hơn 20 năm, công cụ AI này đã hoàn thiện hơn rất nhiều, trở thành một “trợ thủ” đắc lực cho các thẩm phán. Như vụ bà Tình, chỉ vài phút, “tay” trợ lý này đã cho ra một tài liệu tổng hợp, phân tích hàng loạt vụ kiện tương tự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hỏa hoạn, kể cả ở Việt Nam cũng như nước ngoài. Đêm nay, chi tiết vụ kiện lại chiếm tâm trí, làm ông trở dậy, pha ấm trà. Nhìn bộ ấm chén của ba ông để lại, trong tiết trời khuya lạnh, ông chợt nhớ đến những lời thơ của ba, làm từ đầu thập niên 1990.
Khuya lắng, trời mưa bụi
Mùa xuân đã đến chưa?
Dậy pha ấm trà đậm
Nhấp chén hương đợi chờ...
(Hơi thở, Minh Huệ, 1992)
Ông mở cửa bước ra ngoài hiên, ngắm nhìn khu vườn thân thuộc mấy chục năm; đủ các loại cây ăn trái, loài hoa, được chăm sóc với sự hỗ trợ của AI Làm vườn giúp nhận biết sâu bệnh, đo độ ẩm, tưới nước, bón phân. Hễ rảnh rỗi, vợ chồng ông vẫn thích tự tay làm vườn, chăm chút, trò chuyện với cây hoa. Ông hít hà cái không khí “mưa bụi” quyện lẫn với những “mùi” đặc trưng khác của Tết đang tới trong đất trời. Mấy hôm nay, vợ con với sự trợ giúp đắc lực của AI Giúp việc đã rậm rịch sắm sửa, dọn dẹp đón Tết. Ông Triết mỉm cười: AI, AI khắp nơi! Nhưng “mùi” Tết này thì AI làm sao mà “hít hà” được!
Và có một việc mà ông nhất quyết tự mình làm từ đầu đến cuối, không để cho ai làm, và cũng không cần AI “tư vấn” – đó là ra chợ hoa tha thẩn, ngắm nghía, hỏi han, chọn cho mình một cành đào phai về. Một thú vui Tết ông đã được thưởng thức từ lúc còn là cậu bé cùng ba mình; rồi những năm lớn lên, lập gia đình, thành ba, thành ông, vẫn thế. Ông lại mỉm cười: Cái “anh” AI này làm sao mà cảm được, tận hưởng được thú vui, cảm xúc như vậy chứ!
Đang thả hồn lãng đãng với mưa bụi, với khu vườn, chợt có tiếng cười của thằng cháu vọng ra từ phòng ngủ. Cái thằng này, cả ngày vận động liên tục ở trường, ở nhà, đêm đến chắc lại nằm mơ gì đó rồi! Như trong thơ của ba ông:
Chợt tiếng cười rích rích
Thích thú mà bâng quơ...
Ơi thằng cháu nằm mơ
Cười gì với ông thế?
(Hơi thở, Minh Huệ, 1992)
Giống nhiều nhà khác, con trai ông “sắm” AI Gia sư để hỗ trợ con trong học tập, vui chơi. Từ năm 2021, trong cuốn sách “AI 2041: Mười viễn cảnh tương lai”, tác giả Kai - Fu Lee (Lý Khai Phục) đã dự đoán AI kiểu như này sẽ cá nhân hóa giáo dục cho trẻ em; và giờ nó đã trở thành sản phẩm đại trà, giúp ích nhiều cho các bạn nhỏ, gia đình, nhà trường. Nhưng cũng xảy ra nhiều trường hợp, các cô cậu bé giao tiếp nhiều với AI Gia sư hơn là với bố mẹ, anh chị em. May mắn là trong gia đình ông Triết, mọi người đều thống nhất ngay từ đầu, AI Gia sư chỉ là công cụ hỗ trợ, chứ thằng bé không thể thiếu tình cảm, tình thương yêu, tương tác với thầy cô, bạn bè ở trường, với ông bà, bố mẹ ở nhà. Thằng bé rất yêu thương, gắn bó với ông bà.
Nghĩ ngợi lan man một lúc, ông Triết lại quay về với vụ kiện của bà Tình. Trong số các vụ tương tự do trợ lý ảo AI cung cấp, hầu hết tòa án đều xử bồi thường thiệt hại về tài sản. Chỉ có trong vụ Attia kiện Công ty cung cấp gas Anh, nguyên đơn kiện bồi thường thiệt hại về tinh thần giống như bà Tình. Toà phúc thẩm của Anh khi xét xử vụ này đã dựa trên phán quyết của Viện Nguyên lão Anh đưa ra trong vụ MacLoughlin kiện O’Brian. Tòa lập luận, đối với bà Attia, ngôi nhà (house) đã trở thành cái gì đó hơn thế, là tổ ấm (home) thân thương; cho nên khi nhìn tổ ấm của mình bị ngọn lửa thiêu rụi, bà có cảm giác như chứng kiến người thân đang mất đi, giống như trong vụ của bà MacLoughlin. Vì vậy, Tòa phúc thẩm lấy phán quyết của vụ MacLoughlin kiện O’Brian làm án lệ, coi đó là căn cứ để xử cho bà Attia thắng kiện, được bồi thường thiệt hại tinh thần. Chỉ có điều, trợ lý ảo AI lại “khuyên” ông không nên theo phán quyết của tòa trong vụ Attia kiện Công ty cung cấp gas Anh, vì nhà là nhà, làm gì có chuyện nhà như người thân.
Đứng trước hiên nhà đã trở nên thân thương hàng bao năm, nhìn khu vườn trong đêm với những cây trái ông từng “trò chuyện” hàng ngày, nghe tiếng cười “rích rích” của thằng cháu nằm mơ, ông Triết càng thấu hiểu tình cảm gắn bó sâu đậm của bà Tình với tổ ấm cả đời người của bà, với những kỷ vật của ông cha để lại; nơi diễn ra bao nhiêu bữa cơm gia đình quây quần; tiếng cười, giọng nói của ba mẹ, anh chị em, con cháu; không khí ấm cúng những ngày lễ, ngày Tết. Vì thế mà bà Tình đã sốc tinh thần khi bất lực nhìn tổ ấm cứ dần dần bị thiêu rụi trong ngọn lửa như chứng kiến một điều gì đó thân thương nhất, ai đó thân yêu nhất đang mất đi mà không cách gì cứu được.
Ông Triết càng cảm nhận thấy, nếu xử như tòa sơ thẩm, hay như “gợi ý” của trợ lý AI thì vẫn còn điều gì đó “lấn cấn”, chưa thỏa đáng cho bà Tình. Nội dung vụ kiện đã vượt khỏi tầm kiến thức chuyên môn của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Như cái tên của mình - Minh Triết, ông sẽ dồn hết tâm huyết, sự minh triết của mình, của pháp luật vào phán quyết. Minh triết của pháp luật cần đến lòng trắc ẩn, sự thấu cảm, lòng yêu thương, nhất là trong thời đại AI ở khắp nơi; soi rọi vào những ngóc ngách, những góc khuất của cuộc đời muôn hình vạn trạng. Và ông đã xác định chắc chắn cho mình lời giải đáp đối với vụ kiện.
Vài lời phi lộ
Câu chuyện hư cấu trên đây về Chánh án Minh Triết (hoàn toàn có thể thành sự thật vào Tết Ất Sửu 2045) lấy cảm hứng từ ba nguồn. Đầu tiên là cuốn sách “AI 2041: Mười viễn cảnh tương lai” do Kai - Fu Lee, một chuyên gia nối tiếng về AI, còn được gọi là AI Man, viết chung với Chen Quifan, nhà văn khoa học viễn tưởng. Cuốn sách khám phá tác động của AI lên cuộc sống của con người trong 20 năm tới thông qua 10 câu chuyện gắn với 10 kịch bản tương lai, nơi AI được áp dụng vào những lĩnh vực khác nhau, từ giáo dục, y tế, đến kinh tế, xã hội. Tiếp đó là hai vụ kiện được Chánh án Minh Triết nhớ đến, đều có thật ở nước Anh, gây kinh ngạc và kính phục bởi sự uyên bác, thâm sâu, trắc ẩn, minh triết của các thẩm phán. Cuối cùng, bài thơ “Hơi thở” được được ba tôi chép tay, gửi qua đường bưu điện cho thằng con lúc đó đang sống xa xứ. Nhận thư nhà kèm bài thơ của ba đúng dịp Tết ta ở nhà, bên đó tuyết rơi đầy trời, một mình. Người gửi như truyền sự ấm áp của tình yêu thương gia đình cho người nhận trong mùa đông giá lạnh.
Mốc 2045 “nhại” một chút mốc 2041 trong sách của Kai – Fu Lee, với những ứng dụng AI mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời, 2045 còn đánh dấu 100 năm ra đời nước Việt Nam hiện đại với những giá trị Độc lập – Tự do – Hạnh phúc. Thế nhưng, công nghệ như AI, nếu được sử dụng một cách lệ thuộc, quá tập trung vào các lợi ích kinh tế mà bỏ quên các giá trị xã hội, lại có nguy cơ trở thành trở ngại cho sự độc lập, tự do, hạnh phúc của chúng ta. Công nghệ nếu như vậy sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến khả năng kết nối giữa các cá nhân và tận hưởng niềm vui của con người, nhất là giới trẻ và người già.
Với viễn cảnh đáng lo ngại như vậy, điều gì sẽ cứu rỗi con người? Trong tiểu luận “Một bậc minh triết thì vô ý”, triết gia người Pháp Francois Julien đưa ra những nhận định lý thú: minh triết Á Đông quan tâm đến sự ngộ: đối tượng của ngộ là những gì đã biết, biết dễ, ngộ khó; sự thoả đáng: điều tiết cũng làm sao cho thoả đáng; sự tổng thể: nhìn nhận tổng thể thì nhạy cảm hơn với những sự bất trắc, những sự khôn lường trong tồn tại… Một thẩm phán, hay trợ ý ảo AI có thể biết rất nhiều điều luật, nhiều án lệ liên quan đến nhà cửa, nhưng chưa chắc đã ngộ ra được cái hồn của tổ ấm.
Chánh án Minh Triết, như cái tên của mình, đã ngộ ra điều đó. Điều quan trọng không kém là ông có điều kiện trên cương vị chánh án đưa sự “ngộ” thành hiện thực vào phán quyết của tòa phúc thẩm. Những chi tiết liên quan đến thân thế của Chánh án và cách ông xem xét vụ kiện thể hiện mong muốn về những bước cải cách mạnh mẽ của hệ thống tòa án nước nhà vào năm 2045. Đó là thẩm phán được bổ nhiệm suốt đời, không phụ thuộc độ tuổi, không chỉ từ những người trong ngành tòa án, mà cả các luật sư, giảng viên luật uy tín; án lệ được áp dụng rộng rãi hơn nhiều, không chỉ án lệ trong nước, mà cả từ các nước khác, miễn là đảm bảo lẽ công bằng, công lý như quy định của Hiến pháp 2013. Sự độc lập đó trong xét xử của tòa án, sự tự do đó trong suy xét của thẩm phán sẽ mang lại hạnh phúc cho những người dân như bà Tình vốn trông chờ vào lẽ công bằng, công lý từ người “cầm cân, nảy mực”.
Đặc biệt, tình yêu thương chính là điều làm cho con người luôn khác biệt và ưu việt hơn AI. Kai – Fu Lee kể, ông từng mắc căn bệnh ung thư hạch bạch cầu, cận kề cái chết. Trở về với sự sống nhờ sự chăm sóc, tình yêu thương của mẹ, vợ, các y bác sỹ, hòa thượng Tinh Vân, “AI Man” chợt ngộ ra: “Chúng ta còn lâu mới hiểu được trái tim con người, huống hồ là đòi mô phỏng nó. Nhưng chúng ta biết rằng, chỉ con người mới có khả năng yêu và được yêu; yêu và được yêu là điều làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên có giá trị”.
Như trong câu chuyện về ông Minh Triết, AI hiện diện khắp nơi trong cuộc sống, công việc, học tập, nhưng ông và gia đình không bị lệ thuộc. Ngược lại, họ luôn biết cách tận hưởng tình yêu thương, niềm vui, niềm hạnh phúc cùng với những lợi ích của AI; tìm thấy niềm vui cuộc đời ở cây, ở hoa trong khu vườn, ngôi nhà của ông. Như trong bài “Hơi thở”, thấm đẫm tình yêu thương, tình cảm gia đình, niềm vui cuộc sống, niềm hạnh phúc với mưa bụi, với tiếng cười “rích rích”, với hơi thở nhè nhẹ của con trẻ - là những cảm xúc mà AI không thể nào có được.
Tình yêu thương là một phần quan trọng của các giải pháp đối với những vấn đề mà AI gây ra về công nghệ, kinh tế, mất việc làm, khủng hoảng tâm lý. Và cả trong pháp luật, xét xử của tòa án nữa – chánh án Minh Triết chắc sẽ nghĩ thầm như vậy. Trong thời đại AI, chúng ta càng phải biết đề cao hơn bao giờ hết tình yêu thương, sự cống hiến, và lòng trắc ẩn đối với con người, như đối với bà Attia bên Anh, bà Tình ở Việt Nam.
Sự minh triết, cảm nhận về công lý, lẽ công bằng, lòng trắc ẩn, tình yêu thương, những giá trị quen thuộc từ hàng ngàn năm nay, những giá trị chung của con người - chính là những điều mà AI chưa thể có được. Đấy chính là những giá trị mà chúng ta theo đuổi, bảo vệ, đưa vào thiết kế xã hội của chúng ta, để có một cuộc sống mà chúng ta muốn tận hưởng và muốn sống, không chỉ đến dịp Tết Ất Sửu 2045.
(Tết nhớ ba mẹ, viết về Tết cho những người thân yêu trong gia đình).
Theo báo Kinh tế Sài Gòn.