Hội thảo Khoa học quốc gia “Kinh tế, Luật và Chính sách công nghệ số: Động lực phát triển quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình”

21/04/2025 | Xã hội số
Sáng ngày 18/4/2025, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phối hợp cùng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước (CELG) – Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Kinh tế, Luật và chính sách công nghệ số – Động lực phát triển quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình”.
Hội thảo Khoa học quốc gia “Kinh tế, Luật và Chính sách công nghệ số: Động lực phát triển quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình”

Chia sẻ

Tại phiên toàn thể, ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM – đã trình bày hệ thống chính sách và định hướng phát triển công nghệ số của thành phố. Trong đó, đáng chú ý là chiến lược 1-4-1, gồm: xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính, phát triển bốn trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, đô thị thông minh, và khởi nghiệp sáng tạo), và ưu tiên đầu tư cho hai hạ tầng chiến lược (hạ tầng giao thông và hạ tầng số). Từ thực tiễn của địa phương, ông Thắng kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện luật pháp và các văn bản dưới luật theo hướng “thiết kế để phát triển”, đồng thời cho phép các địa phương tiên phong như TP.HCM được thí điểm các cơ chế quản lý và chính sách đặc thù, nhằm tạo đột phá thực sự trong phát triển công nghệ số, đổi mới sáng tạo và kinh tế tri thức.
Đại diện Văn phòng Chính phủ, bà Phạm Thúy Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật – khẳng định nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ các rào cản thể chế thông qua Nghị định 88/2025/NĐ-CP, mới được ban hành nhằm hướng dẫn triển khai Nghị quyết 193 của Quốc hội. Theo bà Hạnh, nhà nước cần thiết kế khung khổ pháp lý theo hướng linh hoạt, thử nghiệm có kiểm soát, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh và phức tạp như hiện nay. Việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực tư nhân, đặc biệt là trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp công nghệ, cũng là định hướng được Chính phủ chú trọng trong giai đoạn tới.
Bà Nguyễn Lan Phương – phụ trách chương trình nghiên cứu công nghệ số, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông – trình bày báo cáo phân tích hệ sinh thái AI tại Việt Nam và đề xuất khung chính sách phát triển và quản trị rủi ro đối với công nghệ này. Hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam gồm năm trụ cột chính: hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, tài chính, thị trường và chính sách. Mặc dù Việt Nam có lợi thế về lực lượng kỹ sư công nghệ, thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh và hệ sinh thái khởi nghiệp khá sôi động, nhưng vẫn tồn tại khoảng cách lớn về hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây, mô hình AI, dữ liệu và các quy định pháp luật và các hướng dẫn thực hành liên quan. Đại diện IPS đã đưa ra 10 khuyến nghị hoàn thiện các quy định về dữ liệu, thu hút nhân lực chất lượng cao thông qua các tài trợ nghiên cứu lớn và chấp nhận rủi ro đầu tư, cơ chế định giá cho sản phẩm, dịch vụ AI sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.
Khép lại phiên toàn thể của hội thảo, PGS.TS Đỗ Minh Khôi – Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TP.HCM – đã có phần trình bày chuyên sâu với chủ đề “Chủ nghĩa hiến pháp trong kỷ nguyên số”, mang đến góc nhìn học thuật sâu sắc về cách công nghệ đang tái định hình mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và công dân. Theo PGS.TS Đỗ Minh Khôi, chủ nghĩa hiến pháp hiện đại không chỉ là nền tảng của thiết kế thể chế dân chủ, mà còn là hệ tư tưởng nhằm giới hạn quyền lực và bảo vệ các quyền cơ bản. Tuy nhiên, trong bối cảnh phụ thuộc và kiểm soát số, các nguyên lý của chủ nghĩa hiến pháp đang đối mặt với thách thức chưa từng có – đặc biệt là từ quyền lực tư nhân đến từ các tập đoàn công nghệ toàn cầu. PGS.TS Đỗ Minh Khôi cho rằng, cần tái định hình quá trình “hiến pháp hóa” để thích ứng với sự thay đổi của công nghệ. Điều này bao gồm việc xem xét lại cơ chế phân quyền giữa công và tư, thiết lập các tiêu chuẩn mới về trách nhiệm giải trình trong môi trường số, và tăng cường cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền con người trong không gian mạng.
Hội thảo khoa học quốc gia “Kinh tế, Luật và chính sách công nghệ số – Động lực phát triển quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình” đã cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ thống thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, kiến tạo và thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng và sâu rộng. Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, những diễn đàn học thuật chất lượng như thế này có giá trị đặc biệt trong việc định hình chính sách và đóng góp vào một trật tự công nghệ tiến bộ, công bằng và có nền tảng tri thức vững chắc. GS.TS Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, kỳ vọng hội thảo sẽ góp phần làm rõ vai trò kiến tạo của pháp luật và chính sách trong việc thúc đẩy công nghệ số phát triển theo hướng bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm, từ đó chung tay xây dựng một tương lai số tiến bộ, bao trùm và nhân văn.