CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY KINH TẾ - XÃ HỘI

26/09/2024 | IPS trên Báo chí
CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY KINH TẾ - XÃ HỘI

Chia sẻ

Việt Nam đã tăng 15 bậc trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc năm 2024, đứng thứ 71/193 quốc gia. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5/11 nước về Chính phủ điện tử, tăng 1 bậc so với năm 2022. Thành tựu này phản ánh nỗ lực trong việc chuyển đổi số, đưa công nghệ số vào phục vụ đời sống người dân và doanh nghiệp. Mới đây Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã có bài viết với tiêu đề: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.” Bài viết này mang lại những định hướng quan trọng nhằm khơi dậy và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa đất nước.

Chuyển đổi số mang lại nhiều giải pháp quan trọng để giải quyết các vấn đề lớn mà xã hội hiện đại đang đối mặt: biến đổi khí hậu, quản lý đô thị, và già hóa dân số. Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), để quá trình này thực sự hiệu quả, việc hoàn thiện thể chế đóng vai trò quyết định và phải là ưu tiên hàng đầu. Theo ông Đồng đánh giá, trong vòng 50 năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với môi trường số, tiêu biểu như Luật Giao dịch Điện tử và Luật Viễn thông, nhằm bảo đảm hạ tầng số và các giao dịch điện tử an toàn, minh bạch.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi hệ thống pháp lý phải tiếp tục thích nghi và thay đổi. Những vấn đề mới nổi như trí tuệ nhân tạo, sandbox (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát) và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ đòi hỏi cần có các quy định rõ ràng hơn để không chỉ giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên không gian số.

Cùng với đó, việc phát triển hạ tầng cáp quang và hạ tầng dữ liệu đóng vai trò then chốt trong sự thành công của chuyển đổi số. Những nền tảng hạ tầng này không chỉ hỗ trợ việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mà còn là nền tảng cho các giải pháp công nghệ số khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.