Chuỗi cung ứng và hành vi tiếp nhận tin tức của độc giả trong thời đại số

17/11/2023 | Ý kiến Chuyên gia
Bạn đang xem YouTube, và bạn muốn cập nhật thông tin về một vấn đề thời sự, ví dụ như nguyên nhân cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Bạn sẽ lựa chọn xem video nào dưới đây?

Chia sẻ

Video “8 phút lý giải nhanh vì sao Hamas tấn công dữ dội ở Israel?”
Kênh YouTube VTC Now | Lượt xem: 460.000, Bình luận: 3 
Video “GIẢI THÍCH CỰC DỄ HIỂU 100 NĂM XUNG ĐỘT ISRAEL-PALESTINE"
Kênh YouTube BLV Anh Quân Discovery | Lượt xem: 418.000, Bình luận: 2.000 
Video “Tại sao Israel lại cũng chiến tranh??”
Kênh YouTube Kiến thức thú vị | Lượt xem: 592.500, Bình luận: 2.000 
 
Dù là thông tin về một vấn đề thời sự - chính trị đang rất được quan tâm trên thế giới, nhưng video của 2 kênh Kiến thức thú vị và BLV Anh Quân Discovery cũng có số lượt xem không hề kém cạnh so với kênh của một cơ quan báo chí chính thống là VTC. Thậm chí, số lượng bình luận ở hai kênh này còn vượt xa so với kênh YouTube của VTC, cho thấy thảo luận xã hội tại đây lại diễn ra sôi nổi hơn rất nhiều so với trên báo chí. Ví dụ này là một minh họa cho sự thay đổi trong chuỗi cung ứng tin tức trong thời đại công nghệ số. 
 
Trước đây, các cơ quan báo chí nắm vị thế độc quyền trong sản xuất tin tức, và kênh phân phối tin tức tới độc giả của báo chí là hệ thống các sạp báo. Tuy nhiên, trong thời đại số, gần như bất kỳ cá nhân, nhóm cộng đồng hay tổ chức nào cũng có thể trở thành một nguồn tin tức, và hệ thống kênh phân phối của họ chính là các nền tảng kỹ thuật số hay mạng xã hội. Như vậy, báo chí không còn là “người chơi” duy nhất trong thị trường thông tin, và người tiêu thụ tin tức cũng không còn coi báo chí là nguồn thông tin có thẩm quyền duy nhất. 
Ví dụ trên còn cho thấy hành vi tiếp nhận tin tức của độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ, trong thời đại số đã có nhiều thay đổi. Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) nhận thấy 3 xu hướng đáng chú ý. 
 
Sự thay đổi về nguồn tin 
  
Theo khảo sát của Deloitte Insights (2022) trên 2.000 độc giả tại Mỹ, độc giả thế hệ Z, bao gồm tuổi teen (14-19) và trưởng thành (20-25), coi mạng xã hội và các dịch vụ nhắn tin là nguồn chính để cập nhật tin tức. Báo cáo Nghiên cứu Thế hệ trẻ Việt Nam của Hội đồng Anh (2020) cũng cho thấy xu hướng tương tự ở độc giả trẻ Việt Nam (16-30 tuổi), khi 73% đáp viên cho rằng mạng xã hội là nguồn thông tin chính cho các vấn đề đương thời. Kết quả khảo sát của Digital News Report 2023 do Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters thực hiện trên khoảng 2.000 độc giả ở 12 quốc gia cho thấy YouTube, WhatsApp, Instagram và TikTok đang ngày càng trở thành nguồn tin phổ biến, trong khi việc cập nhật tin tức qua Facebook lại có xu hướng giảm mạnh, dù đây vẫn là mạng xã hội phổ biến nhất để độc giả nắm được những tin tức hàng ngày. 
 
Nguồn: Hội đồng Anh (2020). Báo cáo Nghiên cứu Thế hệ trẻ
Trên mạng xã hội, bên cạnh những nguồn thông tin như báo chí chính thống hay nhà báo, người dùng ngày càng quan tâm đến thông tin từ những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng, hay thậm chí là những người bình thường. Hành vi tiêu thụ thông tin này tạo điều kiện cho sự nổi lên của xu hướng nhiều người nổi tiếng trở thành nguồn cung cấp những thông tin đôi khi không thuộc chuyên môn, thẩm quyền của họ, nhưng lại là nguồn tin được độc giả trẻ rất ưa thích và lựa chọn. 
 
Niềm tin và sự hứng thú của độc giả với tin tức đang suy giảm 
 
Báo cáo Digital News Report 2023 do Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters thực hiện cho biết chỉ 40% người được khảo sát tin tưởng đa số tin tức phần lớn thời gian. Mức độ tin tưởng vào tin tức thường thấp hơn ở những quốc gia có biến động về chính trị, kinh tế hoặc trong các tình huống khủng hoảng y tế công cộng như đại dịch Covid-19. 
 
Cũng trong báo cáo nói trên, Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters tiếp tục nhấn mạnh một hiện tượng rất đáng quan ngại với các cơ quan báo chí là né tránh tin tức, khi có 36% độc giả trả lời rằng họ thỉnh thoảng hoặc thường xuyên né tránh tin tức. Hiện tượng này có xu hướng gia tăng liên tục trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2022, trong đó một số nguyên nhân được chỉ ra là việc độc giả quá mệt mỏi với lượng tin tức khổng lồ, tin tức không đáng tin cậy hoặc có thiên kiến, hay tin tức tác động tiêu cực đến cảm xúc.  
 
Lo ngại về tình trạng tin giả, tin sai sự thật 
 
Khảo sát của Ipsos và UNESCO (2023) về tác động của thông tin giả trên 8.000 người ở 16 quốc gia cho thấy 85% người được khảo sát quan ngại hoặc rất quan ngại về tác động của tin giả đến người dân nước họ. Tỉ lệ người “rất quan ngại” cao hơn hẳn ở những nước có chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức trung bình hoặc thấp (dưới 0,7 điểm trên thang 1). Ngoài ra, 78% đáp viên cho biết họ thường xuyên đọc được thông tin cố tình sai lệch trên mạng xã hội, và 94% đã ít nhất một lần bị tác động bởi thông tin sai lệch trước khi phát hiện đó là thông tin giả. Sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ trí tuệ nhân tạo tạo sinh cũng khiến nhiều độc giả lo ngại tình trạng thông tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng trở nên trầm trọng hơn.