Dân kiểm tra, dân giám sát trên môi trường số

06/11/2022 | Ý kiến Chuyên gia
Trước khi tính tới mở rộng hình thức người dân kiểm tra, giám sát thông qua các nền tảng ứng dụng thông tin, mạng xã hội, cần cải thiện chất lượng “dân biết, dân bàn” trên môi trường số.

Chia sẻ

50% địa phương chưa đạt điểm trung bình
Vào cuối Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thảo luận về dự Luật này trên hội trường, có đại biểu Quốc hội đề xuất mở rộng hình thức người dân kiểm tra, giám sát thông qua các nền tảng ứng dụng thông tin, mạng xã hội. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, song để đạt hiệu quả cao nhất thì trước hết cần cải thiện chất lượng “dân biết, dân bàn” trên môi trường số.

Dân kiểm tra, dân giám sát trên môi trường số -0

Ngày 22.10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trước khi xem xét thông qua vào cuối Kỳ họp này.

Trên thực tế, việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin đã được điều chỉnh tại Luật tiếp cận thông tin. Theo đó, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm công bố thông tin trên các cổng thông tin điện tử một cách đầy đủ, kịp thời. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, tính hiệu quả của việc này vẫn chưa thực sự cao.

Theo đánh giá ban đầu của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông về mức độ tương tác giữa chính quyền và người dân trên các cổng thông tin điện tử và ứng dụng thông minh của các địa phương, điểm đánh giá trung bình của 63 tỉnh đạt 17,77/30 điểm; trong đó, 31 tỉnh có điểm đánh giá trên trung bình, chiếm 49,2%. Điểm đánh giá được xác định dựa trên 4 yếu tố, bao gồm: (1) Quy định, chính sách của địa phương, (2) Hạ tầng kỹ thuật, (3) Tổ chức thực hiện, (4) Đảm bảo quyền và lợi ích của công dân. Như vậy, kết quả 50% địa phương chưa đạt điểm trung bình cho thấy, bức tranh chung về tương tác giữa chính quyền và người dân trên môi trường số còn nhiều hạn chế.

Hiện nay, có 50/63 tỉnh có xây dựng và vận hành ứng dụng thông minh trên các thiết bị di động. Trong đó có 13 tỉnh xây dựng và vận hành nhiều hơn 1 ứng dụng nhưng cùng phục vụ mục đích cho phép người dân góp ý phản hồi. Một số ứng dụng đã ngừng cập nhật thông tin nhưng vẫn hiển thị trong danh sách kết quả tìm kiếm của các kho ứng dụng. Điều này trên thực tế khiến nguồn lực cũng như thông tin bị phân tán khi cung cấp đến người dân. Hơn nữa, khi người dân có nhu cầu cài đặt ứng dụng thông minh cũng dễ xảy ra tình trạng nhầm lẫn, không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Mặc dù các địa phương đã và đang có sự nỗ lực trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng và triển khai các hình thức khác nhau để hỗ trợ người dân thực hiện quyền của mình; tuy nhiên, một số cổng thông tin điện tử của một số tỉnh còn thiếu chức năng dành riêng cho công dân, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của người dân. Ví dụ, không phải địa phương nào cũng có mục phản ánh hiện trường trên ứng dụng thông minh của địa phương mình; hay có đến 27/63 địa phương không có chuyên mục “Công dân” trên cổng thông tin điện tử.

Xét về mặt cung cấp thông tin, các địa phương đã bảo đảm tương đối tốt việc công bố (một chiều) các thông tin cần thiết, các quyết sách, văn bản đến với người dân. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của công dân, chỉ ở 33/63 tỉnh cổng thông tin điện tử có cập nhật thông tin lịch tiếp công dân cho người dân. Ngoài ra, chỉ có 24 địa phương có cập nhật việc phản hồi đối với kiến nghị của công dân đến tháng 3. 2022. Ở các tỉnh còn lại, một số kênh tương tác đã không được cập nhật thông tin trong các tháng gần đây.

Nhiều việc cần làm

Trở lại với đề xuất của đại biểu Quốc hội nêu trên, việc mở rộng hình thức kiểm tra, giám sát là cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số và công nghệ thông tin ngày càng phát triển. Tuy nhiên, việc trước tiên cần làm đó là cải thiện chất lượng tương tác giữa người dân và chính quyền trên môi trường số, sao cho quá trình biết và bàn của người dân trở nên thực chất hơn.

Với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do khả năng và năng lực tiếp cận các công nghệ mới, ứng dụng thông minh còn hạn chế nên cần tiếp tục duy trì các hình thức tiếp xúc và thông tin trực tiếp tới người dân.

Cùng với đó, khi tính đến phương án mở rộng các hình thức kiểm tra, giám sát của người dân, các địa phương nên đầu tư có chọn lọc vào một số hình thức mang lại hiệu quả cao tùy thực tế địa phương, chẳng hạn như cổng thông tin điện tử, ứng dụng thông minh, nền tảng liên hệ trực tuyến.

Dù với hình thức nào thì cũng cần sự thống nhất, thậm chí có sự liên thông dữ liệu, tránh trường hợp quá nhiều ứng dụng tương tác chính quyền với người dân nhưng phần lớn lại luôn trong tình trạng thử nghiệm hoặc nhiều tháng không có tương tác.

Xem xét việc mở rộng hình thức kiểm tra, giám sát qua mạng xã hội, ứng dụng liên hệ miễn phí, lợi thế của các ứng dụng này nằm ở sự tiện lợi, dễ tiếp cận và truy cập, tương tác nhanh chóng, và mức độ tập trung thông tin. Tuy nhiên, vấn đề về bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu vốn là mối lo ngại của cả cộng đồng và Chính phủ khi nhắc đến các nền tảng này.

Bởi vậy, trong ngắn hạn, các địa phương cần chuẩn hóa lại các cổng thông tin điện tử, các ứng dụng thông minh sẵn có của địa phương, khuyến khích người dân sử dụng, tương tác trên những kênh tương tác này. Một khi các hình thức tương tác này dễ tiếp cận, thực sự cung cấp thông tin đầy đủ, có đủ sức ảnh hưởng đến người dân thì việc khuyến khích người dân sử dụng sẽ có hiệu quả.

Ngoài ra, việc tập huấn kỹ năng cho cán bộ công chức, viên chức nhà nước, cũng như phổ biến, tuyên truyền về sử dụng các công cụ tương tác giữa chính quyền với người dân là rất cần thiết để mỗi người dân dần dần hình thành thói quen sử dụng công cụ tương tác chính thống, thay đổi phương thức trao đổi giữa chính quyền và người dân trên các ứng dụng không đảm bảo an toàn thông tin.

Trần Đăng Quang, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông