Điện toán đám mây và các công nghệ “mới nổi”
Điều này dẫn đến khối lượng dữ liệu số cần phải xử lý trên có sự gia tăng đáng kể. Chẳng hạn, trong ứng dụng phát video trực tuyến (livestream) trên các sàn thương mại điện tử, các nhà phát triển cần tích hợp các chức năng phát video, thanh toán trực tuyến, tương tác giữa người bán và khách hàng theo thời gian thực,… Bởi vậy, điện toán đám mây đã và đang được coi là công nghệ “xương sống” cho sự phát triển và cải thiện các trải nghiệm của người sử dụng trên môi trường mạng. Theo nghiên cứu của Gartner, phí dịch vụ điện toán đám mây trên toàn cầu sẽ tăng từ 314 tỷ USD lên 482 tỷ USD vào năm 2022.
Đồng thời, sự nổi lên của các công nghệ mới như Blockchain, IoT chắc chắn sẽ là yếu tố thúc đẩy điện toán đám mây phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Dưới góc độ kỹ thuật, blockchain có thể giải quyết các vấn đề bảo mật trong môi trường điện toán đám mây mà vẫn đang tồn tại. Khi sử dụng công nghệ chuỗi khối trong đám mây, mọi dữ liệu giao dịch sẽ được lưu trữ và rất khó xóa do cơ chế đồng thuận là đặc trưng của công nghệ này. Theo đó, tất cả các hành động được tiến hành trên đám mây đều được ghi lại. Vì vậy, nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cần ít thời gian hơn trong việc phát hiện các cuộc tấn công và tuân thủ quy định về bảo vệ dữ liệu trong vòng 72 giờ. Trong khi đó, điện toán đám mây có thể giải quyết các hạn chế của các thiết bị IoT bằng cách cung cấp tài nguyên lưu trữ và xử lý dữ liệu mở rộng. Hơn nữa, điện toán đám mây còn có thể là giải pháp hữu ích cho phép tạo ra các phiên bản ảo của các thiết bị IoT vật lý.
Nhờ vào những đặc tính và lợi ích này, điện toán đám mây ngày càng khẳng định vai trò là một hạ tầng số quan trọng, nền tảng tốt nhất cho các công nghệ số nổi bật hiện nay như metaverse, cloud gaming,… Chẳng hạn như meta-game Fortnite của Epic Games có 500 triệu người dùng và gần như tất cả tác vụ của nó đều nằm trong cloud của Amazon. Tương tự, sự phát triển của metaverse không thể tách rời khỏi việc tích lũy các công nghệ cơ bản trong thế giới thực. Các tính năng “nhập vai”, “độ trễ thấp” và “phổ biến” của Metaverse không chỉ đặt ra yêu cầu cao đối với công nghệ phần cứng VR/AR và hệ thống phân phối mạng, mà còn dựa vào khả năng điện toán đám mây hiệu suất cao và công nghệ truyền thông trực tuyến.
Con đường “lên mây” không bằng phẳng
Trở lại thị trường Việt Nam, dù thị trường điện toán đám mây vẫn đang trong giai đoạn phát triển tích cực, nhiều chính sách đã và đang thúc đẩy việc sử dụng đám mây, tuy nhiên vẫn còn một số yếu tố khách quan làm ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của nó, tập trung vào hai nhóm chính là cơ sở hạ tầng và kỹ năng số của người sử dụng. Hiện nay, chất lượng hạ tầng số tại Việt Nam chưa được phát triển một cách đồng bộ để có thể vận hành đám mây một cách trơn tru; vấn đề bảo mật thông tin dữ liệu nước ta vẫn còn nhiều thiếu sót. Về chất lượng nguồn nhân lực, theo Bộ chỉ số chuyển đổi số năm 2020, điểm đánh giá về kỹ năng số của người dân vẫn còn khá thấp khi chỉ đạt khoảng 0.23/1.0, đặc biệt là có sự cách biệt đáng kể về điểm số giữa các tỉnh đứng đầu và đứng cuối, lần lượt là 0.47/1.0 và 0.0283/1.0. Điều này cho thấy mức độ sẵn sàng về mặt con người để tiếp nhận và sử dụng các công nghệ mới như điện toán đám mây tại Việt Nam vẫn chưa thực sự tương đồng với tiềm năng mà công nghệ này đem lại. Thêm vào đó, vẫn còn một số doanh nghiệp, khách hàng chưa thực sự tin tưởng vào dịch vụ của các nhà cung cấp điện toán đám mây cũng như lo ngại về chi phí sử dụng, đầu tư cao so với của quy mô công ty hay nhu cầu sử dụng.
Ngoài các yếu tố khách quan này, một số điểm hạn chế xuất phát từ nội tại doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội địa khiến các doanh nghiệp này vẫn không cạnh tranh lại các công ty dịch vụ điện toán đám mây nước ngoài. Theo đánh giá tổng thể về năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại dự thảo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngoài tiêu chí về năng lực cạnh tranh giá của các nhà cung cấp trong nước là có lợi thế so với nhà cung cấp nước ngoài, các tiêu chí khác như thương hiệu, hệ sinh thái sản phẩm, năng lực bán hàng, chất lượng dịch vụ, năng lực công nghệ của các nhà cung cấp trong nước đều tương đồng hoặc bất lợi hơn so với nhà cung cấp nước ngoài. Cụ thể, về thương hiệu, chỉ có top 5 doanh nghiệp cung cấp trong nước có đầu tư vào thương hiệu, trong khi đó, các nhà cung cấp nước ngoài thường có phủ rộng thương hiệu trên toàn cầu. Hệ sinh thái sản phẩm của các doanh nghiệp nội địa vẫn còn hạn chế với chỉ khoảng 40 sản phẩm so với 150 sản phẩm của các nhà cung cấp nước ngoài.
Chuẩn bị gì cho chuyển đổi sang ‘đám mây’?
Trước bối cảnh trên, để tận dụng tiềm năng của công nghệ này, các chính sách, quy định pháp luật điều chỉnh về cơ sở hạ tầng số, khuyến khích và thúc đẩy sử dụng điện toán đám mây cần nhanh chóng hoàn thiện nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả sử dụng và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tại thị trường Việt Nam. Ngay cả trong khu vực công, các cơ quan cũng cần tích cực sử dụng điện toán đám mây làm nền tảng quản trị, lưu trữ, khai thác dữ liệu, số hóa hoạt động trong khu vực công, cải thiện cơ sở hạ tầng. Khi đó, khu vực tư nhân sẽ có thêm động lực sử dụng đám mây nhờ vào sự tương thích và bảo đảm của cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, thiết chế về “cán bộ dữ liệu” (data officer) cũng cần được quy định trong cả khu vực công và tư. Đây sẽ là đầu mối chịu trách nhiệm về kiến trúc tổng thể của hệ thống dữ liệu cũng như toàn bộ hoạt động quản lý, khai thác, bảo vệ, lưu trữ dữ liệu.
Về góc độ kỹ thuật, các cơ quan, tổ chức nên đầu tư nghiên cứu kết hợp linh hoạt giữa các mô hình đám mây (đám mây riêng tư, đám mây công cộng, đám mây lai), hoặc giữa điện toán đa đám mây để gia tăng hiệu quả chi phí sử dụng phù hợp với nhu cầu và mục đích sử dụng của tổ chức. Song song, hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực số cũng cần được chú trọng để từng cá nhân trong tổ chức có thể khai thác, tận dụng sức mạnh của công nghệ này.
Trần Đăng Quang - Nguyễn Quang Đồng,
Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS)