Quyền riêng tư thời AI: Câu chuyện hai chiều Chính sách - Công nghệ

16/06/2023 | Xã hội số
Quyền riêng tư trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) là một câu chuyện hai chiều của chính sách và công nghệ: chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân tác động đến hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân bằng trí tuệ nhân tạo như thế nào, và ngược lại trí tuệ nhân tạo tạo ra những thách thức gì về chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Quyền riêng tư thời AI: Câu chuyện hai chiều Chính sách - Công nghệ

Chia sẻ

Là bước tiến công nghệ tiếp theo của lịch sử loài người sau các sáng chế về máy móc kỹ thuật, internet, trí tuệ nhân tạo được hiểu là công nghệ có khả năng mô phỏng hành vi của con người và phục vụ con người. Trí tuệ nhân tạo "tốt" hay "xấu" phụ thuộc vào cách con người sử dụng công cụ này như thế nào.
Dữ liệu chính là “trái tim” của trí tuệ nhân tạo. Nói cách khác, trí tuệ nhân tạo chỉ hoạt động khi được cung cấp dữ liệu đầu vào, vì vậy thu thập dữ liệu, trong đó có dữ liệu cá nhân là bắt buộc. Tuy nhiên, việc thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân đến đâu là phù hợp thì cần chính sách và pháp luật điều chỉnh.
Ở nước ta, Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân vừa được ban hành là văn bản pháp lý đầu tiên chính thức sử dụng khái niệm dữ liệu cá nhân, quy định về nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các chủ thể có liên quan.
Nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 3 loại nghĩa vụ về nhân sự, hành chính, kỹ thuật và được xây dựng dựa trên 4 nguyên tắc gồm đồng thuận, tối thiểu, bảo mật và hợp pháp. Theo đó, chủ thể thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân chỉ được thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích nhất định khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Khi xử lý dữ liệu cá nhân, chủ thể này phải thực hiện đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân và dự báo các rủi ro có khả năng xảy ra, thực hiện biện pháp kỹ thuật từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình xử lý dữ liệu và (được khuyến khích) áp dụng các tiêu chuẩn trong ngành để bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Hiện nay, chúng ta chưa dự liệu hết các rủi ro khi áp dụng trí tuệ nhân tạo để xử lý dữ liệu cá nhân và công nghệ trí tuệ nhân tạo phát triển rất nhanh chóng. Vì vậy, quy định nghĩa vụ đánh giá rủi ro và khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn công nghệ như vậy sẽ giúp cho hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân luôn được thiết kế để bảo đảm quyền riêng tư cá nhân trước sự thay đổi của công nghệ.
Tuy nhiên, hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng mang đến một số thách thức, buộc các nhà hoạch định chính sách phải tìm cách giải quyết.
Thách thức đầu tiên là làm sao để tận dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý lượng lớn dữ liệu cá nhân để phát triển kinh tế - xã hội mà vẫn bảo đảm sự riêng tư, tự do cá nhân? Bên cạnh đó, cần hướng dẫn thêm về hoạt động sử dụng dữ liệu cá nhân mới tạo ra từ dữ liệu cá nhân ban đầu và quyền xóa dữ liệu cá nhân. Với năng lực của trí tuệ nhân tạo, các dữ liệu cá nhân rời rạc được thu thập và kết nối lại với nhau, tạo ra dữ liệu cá nhân mới từ quá trình suy luận, cho phép lập hồ sơ cá nhân tự động. Các dữ liệu cá nhân tạo ra từ quá trình suy luận của máy tính, hồ sơ cá nhân tự động này sau đó được sử dụng cho mục đích nghiên cứu thử nghiệm các công nghệ mới, thống kê xu hướng của người dùng nhằm hỗ trợ ra quyết định. Vậy khi chủ thể dữ liệu cá nhân có yêu cầu thì loại dữ liệu cá nhân mới tạo ra có buộc phải xóa hay không?
Để bảo vệ dữ liệu cá nhân trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo, Việt Nam cần hành động trên cả ba phương diện. Đầu tiên là thực hành văn hóa về quyền riêng tư. Thay vì chỉ tiếp cận từ góc độ đặt ra các chuẩn mực mới cho doanh nghiệp, cần giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân - những người sử dụng công nghệ số, giúp mỗi cá nhân hiểu ra trí tuệ nhân tạo là gì và ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của họ. Cùng với đó, phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cụ thể là xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân như một bước hoàn thiện hơn của Nghị định 13/2023/NĐ-CP. Cuối cùng là thúc đẩy sử dụng chính các giải pháp, tiêu chuẩn công nghệ tiên tiến để bảo vệ dữ liệu cá nhân trước sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.