Thách thức của trí tuệ nhân tạo trong cuộc chiến chống tin giả

03/04/2023 | Xã hội số
Trong tuần qua, hình ảnh Giáo hoàng Francis trong trang phục áo khoác Balenciaga trắng đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các trang mạng xã hội. Nhiều người tỏ ra bất ngờ và vô cùng thích thú trước diện mạo mới lạ và thời thượng của người đứng đầu tòa thánh Vatican.
Thách thức của trí tuệ nhân tạo trong cuộc chiến chống tin giả

Chia sẻ

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người bất ngờ hơn nữa là bức ảnh trên thực chất là một sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI). Bức ảnh được tạo ra bởi phiên bản mới nhất của Midjourney – một phần mềm AI có khả năng tạo ra hình ảnh từ các mô tả văn bản, tương tự như DALL-E của OpenAI. Khả năng tạo ra một hình ảnh chân thực và sống động đáng kinh ngạc của Midjourney là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của các công cụ AI trong thời gian gần đây, nhưng cũng làm rấy lên những lo ngại về tác động của các công nghệ này trong thế giới “hậu sự thật” [1] hiện tại. Nhà báo văn hóa Ryan Broderick đã gọi đây là “trường hợp thông tin sai lệch do AI tạo ra ở cấp độ lớn đầu tiên” [2].

Nguồn: Midjourney/Reddit

Thách thức của AI trong cuộc chiến chống tin giả

“Trăm nghe không bằng một thấy,” nhưng với sự xuất hiện của các công cụ như Midjourney, câu thành ngữ trên có lẽ không còn quá chính xác. Khả năng tạo ra những bằng chứng bằng hình ảnh (photographic evidence) cũng chính là một trong những chủ đề được bàn tán nhiều nhất trong giới báo chí về những tác động của AI đối với ngành công nghiệp này. Họ lo ngại AI có thể được sử dụng để tạo ra và lan truyền hàng loạt tin giả, tin sai sự thật trên quy mô lớn về những vấn đề nguy hiểm, gây tranh cãi và chia rẽ hơn rất nhiều.
Mối lo ngại của họ đã nhanh chóng trở thành sự thật khi loạt ảnh do AI tạo ra về cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cảnh sát truy đuổi và bắt giữ tại New York xuất hiện chỉ ít lâu sau bức ảnh của Giáo hoàng Francis và lập tức thu hút sự quan tâm và bình luận của hàng triệu người dùng mạng xã hội trên thế giới. Nhà báo điều tra Eliot Higgins của Bellingcat, người tạo ra loạt ảnh này cũng bằng công cụ Midjourney, sau đó đã bị cấm trên nền tảng này. Việc dùng các công cụ AI để tạo ra tin giả không phải hiện tượng mới. Vào năm ngoái, một video deepfake với nội dung Tổng thống Ukraine Zelensky kêu gọi người dân nước này “hạ vũ khí” và “quay về với gia đình” sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra đã xuất hiện trên internet. Tuy nhiên, chỉ với sự phát triển gần đây của ChatGPT hay Midjourney và sự lan truyền nhanh chóng của những sản phẩm do chúng tạo ra, người ta mới thật sự nhận thức được thách thức mà AI có thể đặt ra trong cuộc chiến chống tin giả vốn đã rất khó khăn.

Nguồn: Midjourney/Reddit

Một yếu tố khác khiến việc sản xuất tin giả bằng các công cụ AI như Midjourney trở nên rất đơn giản là khả năng trực quan hóa hầu hết mọi hình ảnh và viễn cảnh trong trí tưởng tượng của con người với độ chính xác gần như tuyệt đối. Nếu trước đây, một người sử dụng thành thục các phần mềm chỉnh sửa ảnh hay thiết kế đồ họa cũng phải mất nhiều giờ để tạo ra những hình ảnh như của Giáo hoàng hay cựu Tổng thống Donald Trump thì giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể tạo ra những hình ảnh như vậy mà chỉ mất vài phút, thậm chí vài giây.
Việc tạo ra những hình thức phức tạp hơn như video deepfake cũng không hề khó khăn, như Giáo sư Ethan Mollick (ĐH Pennsylvania, Mỹ) đã làm thí nghiệm và chỉ ra rằng ông chỉ mất $11 và 8 phút để tạo ra một video deepfake của bản thân mình đưa ra một bài giảng mà ông chưa từng thực hiện [3]. Với những cảnh báo về việc ChatGPT có thể trở thành “lò” phát tán tin giả, sự kết hợp giữa bộ đôi AI ChatGPT – Midjourney có thể đặt ra những thách thức và mối nguy chưa từng có tiền lệ với cuộc chiến chống tin giả.
Bất chấp những quan ngại đó, cuộc đua phát triển AI vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt” với sự gia nhập của những cái tên như Google (chatbot Bard) hay Microsoft (tích hợp chatbot GPT-4 vào công cụ tìm kiếm Bing). Bản thân các công cụ hiện tại thì ngày càng cải tiến và thông minh hơn. Mới đây, Midjourney đã có thể khắc phục điểm yếu cố hữu của mình khi tạo ra hình ảnh bàn tay con người với độ chính xác cao thay cho những bàn tay gân guốc, dính ngón và thiếu/thừa ngón như trước đây [4]. Bàn tay con người vốn là một dấu hiệu có thể dùng để phân biệt hình ảnh thật và hình ảnh do AI tạo ra, nên với bước tiến này, ranh giới giữa “thật” và “ảo” càng trở nên mong manh hơn.
Hình ảnh bàn tay con người do các phiên bản trước của Midjourney tạo ra. Nguồn: Washington Post.
Hình ảnh bàn tay con người do phiên bản mới nhất của Midjourney tạo ra. Nguồn: Washington Post.

Phản ứng của giới công nghệ

Trước những thách thức đó, chuyên gia về AI Henry Ajder chia sẻ với tờ Business Insider rằng ông đang thúc giục các công ty AI áp dụng các biện pháp bảo vệ - ví dụ như thêm hình mờ (watermark) vào hình ảnh do AI tạo ra – để ngăn công nghệ không bị “vũ khí hóa” để tạo ra tin tức giả mạo [5].
Ở quy mô rộng hơn, CEO Tesla Elon Musk và các nhà lãnh đạo trong giới công nghệ khác như nhà đồng sáng lập Apple Steve Wozniak và đồng sáng lập Skype Jaan Tallinn đã ký một bức thư ngỏ kêu gọi các nhà phát triển “tạm dừng các thí nghiệm AI khổng lồ”. Bản kiến nghị mà hơn 1.000 chuyên gia AI đã ký cảnh báo rằng trí tuệ nhân tạo gây ra “những rủi ro sâu sắc cho xã hội và nhân loại” và yêu cầu các nhà nghiên cứu AI tạm dừng các dự án của họ trong ít nhất sáu tháng. Họ quan ngại AI có thể tạo ra những hiệu ứng “Frankenstein”, khi các nhà phát triển đang “bị cuốn vào một cuộc chạy đua ngoài tầm kiểm soát nhằm phát triển và triển khai những bộ óc kỹ thuật số mạnh mẽ hơn bao giờ hết mà không ai - kể cả người tạo ra chúng - có thể hiểu, dự đoán hoặc kiểm soát một cách đáng tin cậy” [6].
Với việc cuộc đua phát triển AI đang trong giai đoạn quyết liệt như hiện nay, khả năng dừng các dự án nghiên cứu AI như lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo trên là không cao. Về phần báo chí, thay vì băn khoăn liệu AI có thể thay thế một nhà báo, chúng ta nên đặt ra một câu hỏi thiết thực và cấp bách hơn nhiều: làm thế nào để AI trở thành “đồng minh” thay vì “kẻ thù” trong cuộc chiến chống tin giả.

-----

[1] Từ điển Oxford định nghĩa “hậu-sự thật” là tính từ liên quan đến các tình huống mà trong đó những sự thật khách quan có ít ảnh hưởng đến việc hình thành quan điểm hơn là sự kêu gọi cảm xúc và những sự tin tưởng cá nhân. https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/post-truth?q=post-truth