Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử

Jan 14 2021 | Activities
Sáng 14/01/2021, đại diện Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đã tham dự hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử” được tổ chức bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử

Share

Phát biểu tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động để góp ý xây dựng dự thảo này. Nội dung của dự thảo bổ sung một số quy định về cơ chế quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài; trong đó, bao gồm điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài; đăng ký website bán hàng của thương nhân nước ngoài, của thương nhân nước ngoài bán hàng qua sàn thương mại điện tử Việt Nam...
Theo ý kiến các các doanh nghiệp, trên thực tế, văn bản dự thảo nghị định sửa đổi này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các sàn thương mại điện tử trong nước. Theo đó, các thương nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; các mạng xã hội; các doanh nghiệp logistics và các tổ chức, doanh nghiệp khác có hoạt động liên quan đến thương mại điện tử cũng đều chịu tác động, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ảnh: Hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử”

Trong hội thảo này, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết việc sửa đổi Nghị định 52 nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về thương mại điện tử, khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, không để thương mại điện tử bị lợi dụng và trở thành phương thức thực hiện các hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật khác.
Theo đúng quy định và trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng VCCI và các cơ quan chức năng tiến hành thu nhận các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp để góp ý xây dựng dự thảo luật để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tham gia góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử trong khuôn khổ Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công thương chủ trì.

Viện trưởng IPS: Chơi game, làm game, kinh doanh game chưa nhận được cái nhìn tích cực và thiện cảm ảnh 1

    Ảnh: Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) tham gia góp ý
    (Nguồn ảnh: Viettimes)
Đại diện ban soạn thảo Nghị định sửa đổi của Bộ Công thương đề cập đến 04 vấn đề pháp lý lớn, gồm trách nhiệm thực hiện thủ tục thông báo của chủ sở hữu sàn thương mại điện tử (TMĐT); Minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trên sàn TMĐT; Hoạt động TMĐT trên mạng xã hội; Quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài.
Mỗi vấn đề này đều nhận được phản hồi từ phía doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại điện tử, đại diện người tiêu dùng, đại diện cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cũng như các hãng luật. Riêng với góc độ nghiên cứu chính sách công, ông Nguyễn Quang Đồng đưa ra ý kiến về 03 vấn đề pháp lý quan trọng: Trách nhiệm liên đới của sàn TMĐT; Công cụ tra cứu thông tin liên quan đến người bán; Điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài.
Góp ý xây dựng dự thảo nghị định, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho rằng, quy định trách nhiệm cung cấp cho các cơ quan quản lý Nhà nước công cụ tra cứu các thông tin liên quan tới người bán để phục vụ thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo là cần thiết.
Tuy nhiên điều này có thể gây ra mối lo ngại lớn từ phía các doanh nghiệp vì quy định này mâu thuẫn với quy định về bảo vệ thông tin cá nhân theo Luật Luật An toàn thông tin mạng, Bộ Luật Dân sự 2015.
Ngoài ra, các công vụ tra cứu này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về khả năng lọt/lộ thông tin của doanh nghiệp hay dữ liệu cá nhân người dùng khi rủi ro mất an toàn thông tin mạng là luôn hiện hữu từ các cuộc tấn công hoạt chiếm đoạt thông tin trên không gian mạng trên thế giới trong thời gian gần đây.

    Ảnh: Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW phát biểu tại Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52
    (Nguồn ảnh: Báo Doanh nghiệp Việt Nam)
Đại diện sàn thương mại điện tử Sendo cho rằng Dự thảo Nghị định giới hạn việc tiếp cận thị trường ở quy định chỉ có “các nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử do Bộ Công Thương công bố định kỳ” mới được phép tiếp cận thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam là làm khó cho các sàn thương mại điện tử “nội”. Theo đại diện Sendo, các công ty nội như Sendo, Tiki việc tiếp cận vốn không dễ dàng và cần nguồn vốn từ nhiều nhà đầu tư với các thành phần đa dạng như các quỹ, các doanh nghiệp nước ngoài. Quy định như Dự thảo tạo rào cản cho Sendo làm hạn chế danh sách các nhà đầu tư.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà đánh giá việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài theo văn bản dự thảo nghị định dường như chưa có sự thông thoáng, nhiều giấy tờ có liên quan làm tăng thủ tục hành chính và gây khó khăn gấp nhiều lần cho doanh nghiệp. Điều này có thể gây ra tâm lý bất an cho nhà đầu tư nước ngoài khi hoạt động ở Việt Nam. Việc chấp nhận đầu tư đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt trên cơ sở tham vấn ý kiến từ Bộ Công Thương. Do đó, nếu phải thêm một lần nữa xin lại ý kiến của Bộ Công Thương khi điều chỉnh đăng ký hoặc giấy phép hoạt động có thể kéo theo sự chồng chéo và gây xung đột về chức năng cấp phép đầu tư.