Ảnh: Hội thảo tham vấn
Các đại biểu tham dự hội thảo đến từ các Bộ, ban ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan dựa trên kinh nghiệm chuyên môn theo những lĩnh vực, chủ đề nội dung được thống nhất giữa Chính phủ và Liên Hợp Quốc. Đại diện cho Chính phủ Việt Nam là các thành viên của Nhóm Công tác (Taskforce) bao gồm các chuyên viên cao cấp đến từ các Bộ, ban ngành ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Mở rộng hơn, có đại diện các tổ chức phi Chính phủ quốc tế và Việt Nam, khối doanh nghiệp, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện công đoàn và các hiệp hội, đại diện các tổ chức thanh niên và phụ nữ, các chuyên gia, đối tác phát triển, các viện nghiên cứu, học thuật, tài chính, chuyên viên trong các lĩnh vực, và truyền thông…
Hội thảo triển khai hai nội dung chính. Phần 1 là Tổng quan về Khung hợp tác, các khuyến nghị của Đánh giá Chương trình chiến lược chung (OSP) 2017-2021, báo cáo Phân tích Quốc gia Chung của Liên Hợp Quốc năm 2021, xác định các ưu tiên của Khung hợp tác và Lý thuyết thay đổi (TOC) được trình bày bởi Đại diện Văn phòng Điều phối viên Liên Hợp Quốc (RCO). Phần 2 là Thảo luận các kết quả của Khung hợp tác và Lý thuyết thay đổi theo nhóm từng kết qủa về TOC của Kết quả, các vấn đề xuyên suốt, các rủi ro, các giả định, trọng tâm Không bỏ ai lại phía sau và quan hệ đối tác. Cụ thể, các nội dung thảo luận của phần 2 gồm Phát triển Xã hội Bao trùm, Ứng phó với biến đổi khí hậu, khả năng chống chịu với thiên tai và tính bền vững của môi trường, Chia sẻ Thịnh vượng thông qua chuyển đổi kinh tế và Quản trị Tiếp cận công lý.
Trong đó, trong phiên thảo luận Chia sẻ Thịnh vượng thông qua chuyển đổi số kinh tế, đại diện IPS đã đưa ra các góp ý như sau: Thứ nhất, an toàn số (digital safety) phải được coi là một vấn đề xuyên suốt, cần xây dựng chiến lược giải quyết. Thứ hai, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong triển khai phát triển kinh tế số và chính phủ số. Thứ ba, cần minh bạch tiêu chí và số liệu đánh giá hiệu quả triển khai. Thứ tư, đại diện IPS cảnh báo về sự cần thiết nghiên cứu sâu về tác động của phát triển công nghệ, đặc biệt như 3D, trí tuệ nhân tạo, đến thị trường lao động để xây dựng chiến lược tiếp cận phù hợp, đồng thời xem xét giải quyết các vấn đề lao động trong thời đại số. Đặc biệt, đối với hai góp ý của đại diện IPS về an toàn số và bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa được đề cập trong hội thảo này, được bà Valentina Barcucci, Nhà Kinh tế Lao động, ILO, Điều phối phiên họp, tiếp thu và ghi nhận sẽ xem xét đưa vào Khung hợp tác Chiến lược Chung về Phát triển Bền vững giữa Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc giai đoạn 2022-2026.
Khung Chiến lược chung Hợp tác Phát triển Bền vững giữa Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc, giai đoạn 2022-2026 (sau đây gọi tắt là “CF”) thể hiện những nội dung cơ bản về chương trình và phương thức điều hành các hỗ trợ của LHQ cho Chính phủ Việt Nam trong 5 năm tới, nhằm đẩy mạnh kết quả thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) vào năm 2030 phù hợp với các ưu tiên phát triển của quốc gia, đặc biệt là các mục tiêu được đề ra trong Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2021 – 2030 và Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Văn bản dự thảo CF được xây dựng thông qua hai quy trình: (i) đánh giá Kế hoạch Chiến lược chung (OSP) 2017-2021, và (ii) Đánh giá Quốc gia (CCA). Hội thảo tham vấn về dự thảo CF sẽ giúp định hình và thống nhất hoàn thiện CF, đồng thời là cơ hội để các bên liên quan tham dự sâu vào quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo và chia sẻ thông tin về quy trình xây dựng văn bản quan trọng này.
Hội thảo tham vấn nhằm cung cấp một diễn đàn bao trùm và cùng tham gia chia sẻ và thảo luận về nội dung dự thảo CF với các mục tiêu sau đây: Thống nhất hợp thức các lĩnh vực ưu tiên được xác định và giải trình trong dự thảo CF; Đảm bảo rằng lý thuyết thay đổi (Theory of Change – ToC) đề xuất trong dự thảo CF về những ưu tiên và các khoảng trống phản ánh đúng thực tế của Việt Nam và sẽ góp phần hỗ trợ đạt được các mục tiêu SDG; Củng cố lý thuyết thay đổi (ToC) đối với cấp độ Kết quả, và đảm bảo rằng các đầu ra được xây dựng hợp với thực tế, thích hợp để đáp ứng hiệu quả với các thách thức về phát triển ở Việt Nam, đồng thời phản ánh được các lợi thế so sánh của Liên Hợp Quốc. Mục tiêu tổng quát của hội thảo tham vấn là đi tới thống nhất nội dung của dự thảo CF có chất lượng đảm bảo để trình lên Chính phủ chấp thuận.
Tài liệu sự kiện: https://bom.to/9WSW9vhlTCDNQb
Tiếp tục góp ý (hạn cuối là 18h ngày 23/7/2021) tại https://s.surveyplanet.com/hfQUc1DD1