Hội thảo "Nguồn nhân lực ngành an toàn - an ninh mạng Việt Nam - Cơ hội và thách thức"

Oct 25 2021 | Activities
Khu vực Châu Á Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực có bước chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế, dịch vụ và đặc biệt là công nghệ. Điều này vừa là cơ hội cũng vừa tiềm ẩn các nguy cơ lớn liên quan đến an toàn an ninh mạng - đầu mối trực tiếp cho sự phát triển chung của không chỉ từng quốc gia mà còn trên toàn khu vực. Tuy nhiên, một thực trạng đáng lưu tâm tại Việt Nam là tình trạng thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao, làm việc trong ngành an toàn an ninh mạng. Hưởng ứng tuần lễ thứ 3 trong tháng 10 - tháng nâng cao nhận thức về an toàn an ninh mạng của Đại sứ quán Hoa Kỳ là “Tuần lễ nâng cao nhận thức nghề nghiệp an toàn an ninh mạng toàn cầu”, Đại sứ quán Hoa Kỳ phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông tổ chức hội thảo “Nguồn nhân lực ngành an toàn - an ninh mạng Việt Nam – cơ hội và thách thức”.
Hội thảo "Nguồn nhân lực ngành an toàn - an ninh mạng Việt Nam - Cơ hội và thách thức"

Share

Buổi hội thảo có sự góp mặt của các diễn giả cũng là các chuyên gia trong ngành an toàn an ninh mạng và nghiên cứu chính sách về an toàn an ninh mạng, bao gồm:
  • Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông
  • Ông Vũ Thế Bình, Tổng Giám đốc Công ty NetNam - Tổng Thư ký hiệp hội Internet Việt Nam
  • PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Quốc tế, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
  • TS. Vũ Minh Hoàng, Giảng viên, Đại học Fulbright Việt Nam
Các diễn giả trong buổi hội thảo
Buổi hội thảo có các nội dung chính như sau:
  • Tìm hiểu tổng quan và bối cảnh ngành An toàn an ninh mạng tại Việt Nam
  • Phân tích cơ hội và thách thức khi học tập và làm việc trong ngành an toàn an ninh mạng
  • Cuối cùng là đồng hành cùng diễn giả giải đáp thắc mắc liên quan đến lĩnh vực an toàn an ninh mạng
Theo chia sẻ của TS. Vũ Minh Hoàng, Cyber-security là bảo vệ an toàn dữ liệu trên không gian mạng. Để có thể trở thành một chuyên gia an toàn an ninh mạng cần nắm 06 quy tắc gồm:
1. Tạo các chương trình đơn giản để giải quyết vấn đề bảo mật
2. Lập trình chương trình dễ đọc, tiện lợi cho người sử dụng dễ dàng sửa đổi từ đó sẽ thuận lợi cho việc cải tiến công nghệ nhất
3. Đưa các mảng phức tạp hơn ứng dụng vào các chức năng ít phổ biến để tăng tinh bảo mật
4. Khi tạo ra ứng dụng cần phải đáp ứng được nhu cầu của user
5. Cho phép mở rộng hoặc thu nhỏ quy mô hệ thống tùy thuộc vào quy mô hoạt động của người sử dụng.
6. Tăng tính phụ cận của hệ thống hiện hành: bảo toàn tư duy hệ thống để người sử dụng tiếp cận dễ dàng.
Ảnh: TS. Vũ Minh Hoàng đang phát biểu
Những ngành nghề liên quan tới an toàn an ninh mạng là những từ khóa vẫn còn khá mới mẻ tại thị trường lao động tại Việt Nam. Theo ông Vũ Thế Bình, an toàn an ninh mạng đã có bước phát triển vượt bậc, theo đó nhu cầu nhân sự cho ngành này có sự tăng mạnh. Ông cũng cho biết thêm, hiện nay tại thị trường Việt Nam có khoảng từ 20-30 công ty cung cấp dịch vụ an ninh mạng đang thiếu nhân lực, ngoài ra các tổ chức nhà nước, ngân hàng, chứng khoán, logistic cũng cần các kỹ sư an toàn an ninh mạng bảo trì hệ thống thông tin nội bộ. Có thể nói trong từ 3-5 năm tới, với nền kinh tế thị trường tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, nhu cầu việc làm cho ngành an toàn an ninh mạng càng được đẩy mạnh bởi chỉ tính riêng nhân lực quản trị website, lập trình ứng dụng đã thiếu 15.000-20.000 nhân lực. Điều này cũng đặt ra các thách thức cho những nhà kinh doanh bởi họ phải đề xuất mức lương thưởng hấp dẫn để “lôi kéo” những nhân tài trong thời buổi thị trường lao động còn khan hiếm như hiện nay.
Chính vì thị trường lao động luôn “khát” nhân tài nên các trường đại học hàng đầu về đào tạo nhân lực kỹ thuật như trường Đại học Bách Khoa, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Công nghệ,… hàng năm vẫn không ngừng cải tiến phương thức đào tạo đáp ứng đầu ra cho sinh viên. Theo PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, thống kê của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho thấy mỗi năm có 400-500 sinh viên ngành an toàn an ninh mạng của nhà trường bước ra thị trường lao động, nhưng con số này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu chung. Có thể nói đây thực sự là thách thức đặt ra cho các trường Đại học.
Sau khi phân tích tổng quan bối cảnh ngành an toàn an ninh mạng Việt Nam, các chuyên gia cùng thảo luận và đi sâu phân tích những cơ hội và thách thức đối với sinh viên ngành an toàn an ninh mạng.
Thuận lợi:
Trước hết, nhu cầu về nhân sự của ngành luôn dồi dào khi các công ty cung cấp giải pháp công nghệ trên thế giới chuyển dịch các trụ sở về tại Việt Nam, cũng như các công ty công nghệ trong nước đang dần lớn mạnh và phát triển, ngoài ra các đơn vị hành chính, ngân hàng, logistic sẵn sàng trả mức lương hấp dẫn để chiêu mộ nhân tài.
Mức lương khởi điểm cho những nhân sự mới ra trường ngày càng tăng và các công ty luôn sẵn lòng đón nhận các thực tập sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Vì tính chất đặc thù của ngành an toàn thông tin luôn bắt kịp xu thế công nghệ toàn cầu vì vậy các bạn trẻ có cơ hội học hỏi, tham gia giao lưu, kết nối với môi trường quốc tế thông qua các cộng đồng lập trình hay các cuộc thi.
Khó khăn:
Vì an toàn an ninh mạng là ngành học đòi hỏi người học phải có đam mê, kiên trì và chủ động cập nhật các xu hướng công nghệ mới.
Môi trường học tập và giao lưu với môi trường quốc tế một cách trực tiếp và có chiều sâu tại Việt Nam vẫn còn chưa được hoàn thiện buộc các nhà cải cách giáo dục nỗ lực hơn nữa trong việc đề xuất chính sách trao đổi sinh viên.
Mặc dù khó khăn vẫn còn nhiều nhưng những cơ hội trước mắt cũng như sự phát triển của xã hội trong tương lai, ngành an toàn thông tin sẽ trở thành cánh tay đắc lực đẩy con thuyền kinh tế đi lên.
Chặng cuối của tọa đàm, các diễn giả dành thời gian giải đáp các thắc mắc liên quan đến kỹ năng cũng như hành trang chuẩn bị cho công việc. Theo ý kiến của PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, các bạn trẻ nên học thật chắc các kiến thức khoa học cơ bản bởi lẽ đó là nền trang để phát triển tư duy lập trình sau này. Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Bình cho biết ngay khi ngồi trên ghế nhà trường các sinh viên nên tích cực tham gia các cuộc thi và thực tập để nâng cao kỹ năng chuyên môn. Theo ý kiến của TS. Vũ Minh Hoàng, các bạn trẻ nên xây dựng thói quen học ngoại ngữ vì đó là chìa khóa giúp các bạn dễ dàng học tập và phát triển trong môi trường đa quốc gia.
Xem lại bản ghi hội thảo [tại đây]