Theo nhận định của VCCI trong báo cáo nghiên cứu, cần có sự phân cấp mức độ kiểm soát đối với các mạng xã hội có hoạt động mang yếu tố thương mại điện tử và các sàn giao dịch thương mại điện tử dựa trên chức năng đặt hàng trực tuyến và đặc điểm thông tin được đăng tải. Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập tới một số vấn đề pháp lý quan trọng, điển hình như vấn đề quản lý thuế đối với thương nhân kinh doanh trên mạng xã hội và nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, khai báo và xác thực người dùng thương mại, vấn đề người nổi tiếng bán hàng.
Ảnh: Toạ đàm “Thương mại điện tử trên mạng xã hội tại Việt Nam – Một số vấn đề pháp lý”
Phát biểu tại Toạ đàm, Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) nhất trí với một số vấn đề pháp lý mà VCCI đưa ra trong báo cáo, đặc biệt tập trung vào ba vấn đề: (1) Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; (2) Vấn đề bảo vệ người quyền lợi người tiêu dùng trực tuyến; (3) Vấn đề cạnh tranh công bằng trong hoạt động thương mại điện tử. Ngoài ra, về dài hạn, Viện trưởng Viện IPS cho rằng cần mở rộng cách tiếp cận đối tượng không chỉ là các hoạt động thương mại điện tử trên sàn giao dịch thương mại điện tử hay mạng xã hội mà nên là các dịch vụ số.
Ảnh: Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) phát biểu tại tọa đàm
Nhìn chung, nhiều ý kiến tại Toạ đàm cho rằng vấn đề quản lý hoạt động thương mại điện tử hiện nay tại Việt Nam là vấn đề pháp lý quan trọng và cấp thiết, cần phải có những sự điều chỉnh phù hợp để vừa lấp được những khoảng trống pháp lý đang tồn tại, nhưng đồng thời tạo ra môi trường phù hợp cho sự phát triển của thị trường vô cùng tiềm năng này.