Hướng tới từ thiện chuyên nghiệp

Apr 13 2022 | Analysis - Comments
Đã tới lúc phải có những thiết chế pháp lý nhằm bảo vệ công tác từ thiện chuyên nghiệp, để bảo vệ cả người đóng góp lẫn người nhận đóng góp từ thiện tốt hơn.
Hướng tới từ thiện chuyên nghiệp

Share

Ảnh: New Yorker
Giữa những ngày miền Trung vật lộn với khó khăn do thiên tai, điều ấm lòng nhất là tình cảm tương thân tương ái từ người dân cả nước qua những lời kêu gọi và đóng góp sẻ chia cho đồng bào vùng lũ.
Nhưng nếu việc huy động nguồn lực là điểm sáng thì nhìn nhận thẳng thắn, có thể nói việc tổ chức và điều phối các nguồn lực cứu trợ là chưa thực sự hiệu quả.
Hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên không ngại hiểm nguy vượt nước lũ đến cứu trợ từng gia đình; những dãy nồi bánh chưng ở Nghệ An, Kon Tum và nhiều vùng xa xôi khác đỏ lửa đêm ngày mong giúp người dân gặp nạn không chỉ không bị đói mà còn được ăn uống đàng hoàng hơn những gói mì tôm sống làm mỗi người chúng ta đều xúc động.
Nhưng khi đây đó trên mạng xã hội xuất hiện cảnh bánh chưng hỏng phải bỏ đi; quần áo, chăn màn cũ không dùng đến trở thành “rác cứu trợ”, những người vất vả vận động đóng góp rồi chuyển hàng đi hàng trăm cây số hẳn không khỏi buồn lòng. Nhìn rộng ra, những khó khăn còn đến từ chuyện phân phối hàng cứu trợ, từ nỗi lo nguồn lực bị sử dụng sai mục đích.
Không nên đổ lỗi một cách đơn giản cho chính quyền địa phương hay nhà hảo tâm, bởi mỗi bên trong phạm vi có thể đều đã rất nỗ lực rồi.

Thay vào đó, cần tính đến những giải pháp căn cơ và dài hạn, chính là chuyên nghiệp hóa hoạt động cứu trợ. Đặt trong bối cảnh Việt Nam, với xu hướng thiên tai ngày phức tạp và khốc liệt, sự chuyên nghiệp hóa như thế lại càng cần kíp. Cốt lõi của tiến trình là các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức từ thiện hoạt động chuyên nghiệp và thường xuyên.

Xã hội đã sẵn sàng

Để một tổ chức chuyên nghiệp có thể ra đời, điều kiện cần trước hết là nguồn lực xã hội, sự sẵn sàng đóng góp cho hoạt động từ thiện. Còn điều kiện đủ là môi trường pháp lý minh bạch và mang tính khuyến khích, cho cả người đứng ra kêu gọi tài trợ lẫn người đóng góp.

Xét điều kiện cần, chúng ta đã có hơn 30 năm đổi mới và tăng trưởng kinh tế liên tục giúp Việt Nam hình thành một một nhóm đáng kể các cá nhân đủ sức làm thiện nguyện, lẫn một tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh và có ý thức trách nhiệm xã hội cao.

Những người có ảnh hưởng, nhất là các ngôi sao giải trí, cho thấy họ đã sẵn sàng nhận lãnh những trách nhiệm xã hội lớn lao hơn, chứ không phải là hứng thú nhất thời hay chỉ “làm màu” để đánh bóng hình ảnh. Quan trọng hơn, người dân cũng bắt đầu có niềm tin để sẵn sàng góp tiền theo lời kêu gọi của những người nổi tiếng có uy tín.

Việc Thủy Tiên có thể huy động số tiền kỷ lục hơn 140 tỉ đồng, do đó, là xu thế đáng mừng, cho phép chúng ta kỳ vọng về một viễn cảnh mà hành xử của những người nổi tiếng Việt Nam tiệm cận xu thế chung của thế giới.

Những người nổi tiếng như Angeline Jolie, Jessica Chastain (điện ảnh); Lionel Messi, Rafael Nadal, Roger Federer (thể thao); hay Bill Gates, Warren Buffet (nhà tài phiệt)... đều là những nhà từ thiện lớn. Họ không chỉ bỏ tiền túi ra làm từ thiện, mà còn dùng uy tín và ảnh hưởng cá nhân để kêu gọi đóng góp từ cộng đồng.

Ở Việt Nam, những hạt giống cho từ thiện chuyên nghiệp đã có. Vấn đề là làm sao để chúng nảy mầm?

Điều kiện đủ

Điều kiện cần đã có, nhưng điều kiện đủ là môi trường pháp lý thì Việt Nam chưa có. Luật dân sự và hai nghị định 64 (2008) và 93 (2019) không được thiết kế để khuyến khích các tổ chức chuyên nghiệp.

Những gì Thủy Tiên làm không sai luật, chiếu theo các văn bản pháp lý hiện hành, nhưng Luật dân sự vốn điều chỉnh quan hệ cho tặng chỉ bảo vệ Thủy Tiên khỏi rủi ro bị chiếm đoạt số tiền cô huy động được, chứ chưa bảo vệ được lợi ích đầy đủ của các cá nhân góp tiền cho Thủy Tiên.

Và như vậy gián tiếp không bảo vệ được uy tín của chính cá nhân người huy động nếu cô gặp rủi ro trong tiến trình sử dụng các khoản đóng góp - mà rủi ro kiểu này rất nhiều và rất lớn, đi kèm số tiền huy động được.

Ví dụ, nếu tôi góp tiền cho Thủy Tiên với kỳ vọng mua đồ ăn, thức uống cứu trợ bão lũ, mà hết lũ rồi, cô chưa sử dụng hết số tiền đó, lại dùng vào việc khác, ngay cả vẫn với mục đích tốt đẹp như mua sách vở cho học sinh khó khăn hay nước ngọt cho đồng bào miền Tây bị hạn mặn, không đúng với mong muốn ban đầu của tôi, thì điều gì xảy ra?

Thủy Tiên có được toàn quyền quyết định các khoản trao tặng không đúng mục tiêu ban đầu của tôi không, hay cô phải trả lại? Về quá trình sử dụng và minh bạch khoản tiền đóng góp, Thủy Tiên có trách nhiệm phải báo cáo cho tôi biết cô ấy sử dụng số tiền thế nào không?

Khi đã lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng triệu người đóng góp thì làm thế nào để báo cáo hết cho từng người? Cá nhân tôi không thể giám sát, không thể đi theo để biết Thủy Tiên sử dụng số tiền đó như thế nào, vậy liệu có ai giúp tôi làm điều đó?

Nếu Thủy Tiên vẫn mua hàng để cứu trợ như cam kết với tôi - nhưng mua từ một nhà cung cấp người quen, đẩy giá lên so với thực tế, hoặc bản thân cô không làm vậy, nhưng một thành viên trong nhóm cứu trợ lại làm vậy thì xử lý gian lận đó như thế nào?

Luật dân sự không trả lời được những câu hỏi đó - và cũng không có chức năng trả lời. Luật dân sự chỉ xử lý quan hệ trực tiếp một đối một, giữa cá nhân Thủy Tiên và cá nhân tôi. Tôi góp tiền cho Thủy Tiên là thực hiện một hợp đồng tặng cho, không yêu cầu đền bù trong bất kỳ trường hợp nào (điều 457).

Giả sử Thủy Tiên có làm sai đi chăng nữa, tôi cũng không được quyền yêu cầu cô bồi thường. Điều này đồng thời gián tiếp đặt Thủy Tiên vào rủi ro tổn hại uy tín cá nhân. Ngay cả khi cô hoàn toàn trong sáng, vẫn có những lời dị nghị, thậm chí cố tình dị nghị và không có bên thứ ba độc lập khách quan nào có thể chứng thực cho sự trong sáng của cô. (Một lần nữa, xin lưu ý đây chỉ là những tình huống giả định để phân tích).

Cần luật về tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiệp

Mục tiêu của một đạo luật như vậy là xây dựng các thiết chế bảo vệ lợi ích của người đóng góp, yêu cầu trách nhiệm minh bạch và báo cáo hoạt động của quỹ. Lưu ý rằng chỉ khi số tiền nhận được từ đóng góp vượt một ngưỡng nhất định thì luật mới điều chỉnh.

Ví dụ ở Anh, theo đạo luật về hoạt động từ thiện (Charity Act, sửa đổi gần nhất năm 2011), ngưỡng phải đăng ký hoạt động là khi cá nhân/tổ chức gây quỹ được hơn 5.000 bảng Anh trong một năm. Ngưỡng tối thiểu thấp như vậy là một chủ đích của nhà nước để điều tiết các nguồn đóng góp về các tổ chức chuyên nghiệp, thay vì cá nhân tự phát.

Có ba cơ chế chính cần thiết kế trong một đạo luật như vậy.

Thứ nhất là cơ chế báo cáo bắt buộc về tình hình hoạt động và tài chính của tổ chức. Tiền thu được bao nhiêu, sử dụng cho những mục đích gì cần được báo cáo cụ thể, công khai cho toàn bộ công chúng.

Với những tổ chức có mức thu trong năm vượt ngưỡng nhất định, còn phải báo cáo bắt buộc với một ủy ban giám sát. Ở Anh, tổ chức từ thiện có thu nhập vượt mức 25.000 bảng phải nộp báo cáo thường niên cho ủy ban.

Thứ hai là quy định về hồ sơ kế toán, chế độ hậu kiểm và kiểm toán để đáp ứng chuẩn mực minh bạch tài chính. Ở Anh, tất cả tổ chức từ thiện có thu nhập hằng năm trên 25.000 bảng phải được kiểm toán hoặc kiểm tra độc lập, và thu nhập trên 1 triệu bảng phải được kiểm toán.

Cơ chế thứ ba là hội đồng quản lý của tổ chức, có thể dưới dạng hội đồng tín thác (Board of Trustees). Hội đồng này thường là những người có uy tín, được bầu cử hoặc chỉ định - đại diện cho tập thể tất cả những người đóng góp.

Một cách đơn giản, góp tiền từ thiện cũng như góp cổ phần cho công ty đại chúng. Hội đồng tín thác tương đương hội đồng quản trị công ty, sẽ thay mặt “cổ đông”, ở đây là người góp quỹ, quyết định sử dụng số tiền.

Tức là nếu có tổ chức từ thiện chuyên nghiệp, Thủy Tiên có thể “tín thác” (giao phó dựa trên niềm tin) cho tổ chức. Cô có thể là thành viên trong hội đồng tín thác để quyết định dùng số tiền vào mục đích gì, đồng thời là người giám sát ban điều hành hay giám đốc quỹ để bảo đảm những người thực thi trực tiếp sẽ hành xử chuyên nghiệp và thực hiện đúng sứ mệnh đề ra - tức bảo vệ niềm tin của người đóng góp.

Như vậy, người góp tiền thực hiện quyền quyết định sử dụng nguồn lực gián tiếp qua lựa chọn đại diện của mình trong hội đồng tín thác.

Cần nói thêm, hình thành những thiết chế này đồng nghĩa sẽ xử lý được vấn đề chi phí hành chính phát sinh cho những người làm cứu trợ phi lợi nhuận và chuyên nghiệp.

Người góp tiền cần hiểu và chia sẻ những chi phí như vậy. Tức để số tiền 140 tỉ mà Thủy Tiên huy động đến được đúng người, đúng mục đích, cũng cần một phí tổn không nhỏ (ngoài 140 tỉ đó), ngay cả không kể thời gian và công sức cá nhân của người “đi cứu trợ”.

Các cơ quan báo chí - địa chỉ phổ biến nhận quyên góp hiện nay - cũng sẽ đỡ cảnh “nhận càng nhiều quyên góp càng méo mặt” bởi phải tốn chi phí cho các hoạt động phân phát mà không biết lấy tiền từ đâu ra.

Niềm tin: nguồn vốn xã hội

Thông thường trong pháp luật các quốc gia về thiện nguyện, những người góp tiền được gọi là người tín thác (trustor); và người nhận tiền là người nhận tín thác (trustee).

Chữ “tín” - niềm tin - ở đây đóng vai trò trung tâm. Pháp lý chính là các thiết chế để bảo vệ lòng tin này. Chúng ta có một nguồn vốn xã hội khổng lồ và vô cùng quý báu là tinh thần “hoạn nạn tương cứu” giữa đồng bào.

Nhưng niềm tin đó nếu không được bảo vệ bằng pháp lý sẽ dễ bị xói mòn và tổn thương. Trách nhiệm bảo vệ tài sản vô giá đó, một lần nữa nằm trong tay những nhà lập pháp.

Theo Tuổi Trẻ

Hướng tới từ thiện chuyên nghiệp | cuoituan.tuoitre.vn