Ngăn trẻ học cái xấu trên YouTube: Cần giáo dục về kỹ năng an toàn số

Apr 13 2022 | Analysis - Comments
Người dùng Internet ở Việt Nam, đặc biệt là trẻ em, đang phải đối mặt với nhiều rủi ro khi lang thang trên mạng quá nhiều  
Ngăn trẻ học cái xấu trên YouTube: Cần giáo dục về kỹ năng an toàn số

Share

Gốc rễ là do nhận thức và kỹ năng an toàn số của người dùng Internet ở Việt Nam, trong đó có trẻ em, còn yếu.

anh boxẢnh: Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông

Giáo dục về kỹ năng an toàn số

Người dùng Internet và điện thoại thông minh, máy tính bảng ở Việt Nam giống như đang ngồi trên chiếc xe phân khối lớn đi trên xa lộ thông tin nhưng chưa được học những kỹ năng lái xe an toàn. Nếu không có kỹ năng lái xe an toàn thì dẫu đường đẹp, xe tốt vẫn rất dễ gặp tai nạn.

Giáo dục về kỹ năng an toàn số của chúng ta còn rất hạn chế. Gốc rễ sâu hơn nữa là giáo dục ở nhà trường hiện tại chưa cập nhật được các xu thế về công nghệ dẫn tới chương trình đào tạo chưa cập nhật các nội dung về an toàn số. Bộ môn tin học trong nhà trường nặng về các kiến thức tin học, phần lồng ghép kiến thức an toàn, bảo mật vẫn có nhưng còn rất mờ nhạt.

Các nội dung khi dạy thường thiếu sinh động, cứng nhắc nên khó thu hút sự quan tâm của trẻ em. Trong khi đó giáo dục ở gia đình thì các bậc phụ huynh một phần rất dễ dãi trong chuyện cung cấp máy tính, điện thoại cho trẻ em nhưng lại không đủ kiến thức, kỹ năng để hướng dẫn, giám sát các chức năng an toàn cho trẻ em.

Bảo vệ an toàn trên môi trường số là một thách thức lớn. Từ phía Nhà nước có hai công việc cần tập trung xử lý nhất. Đầu tiên là các chương trình giáo dục, đối với công dân, phải đặt dưới tầm nhìn là công dân số, không phải chỉ có kiến thức tin học nữa mà phải có kỹ năng số.

Phải đưa vào nhà trường bộ môn kỹ năng số thay cho môn tin học hiện nay. Trong bộ môn này không chỉ học lập trình, tạo file như thế nào, phần mềm, xử lý văn bản..., mà cần trang bị cho học sinh những hiểu biết về ứng xử thế nào với mạng xã hội, dạy cho trẻ phân biệt thông tin không chính xác, thế nào là bị bắt nạt trên mạng xã hội, khi gặp phải việc bị bắt nạt trên mạng xã hội thì phải xử lý thế nào, dạy trẻ không nên chia sẻ những thông tin cá nhân nào trên mạng xã hội có thể dẫn đến những rủi ro lâu dài về sau...

Đào tạo kỹ năng số cho học sinh và môn này phải được giáo dục sớm vì ngày nay trẻ mầm non cũng đã bắt đầu tiếp xúc với thiết bị số.

Cần truyền thông rộng về an toàn số

Các bộ ngành cũng cần thực hiện chương trình truyền thông rộng rãi mang tính toàn quốc về an toàn số. Trước đây chúng ta có chiến dịch về an toàn giao thông thì nay cũng cần mở các chiến dịch về an toàn trên môi trường số vì tác hại của mất an toàn trên Internet cũng rất lớn như mất an toàn giao thông.

Từ phía các doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam, các mạng xã hội ở Việt Nam chưa chú trọng nhiều đến việc phân loại các nội dung thông tin để phù hợp với lứa tuổi.

Ở các nước phát triển họ thực hiện dán nhãn dành cho các lứa tuổi khác nhau. Các cơ quan quản lý nhà nước thì phải giám sát việc tuân thủ phân loại nội dung để dán nhãn, tuân thủ những trách nhiệm về bảo vệ người dùng của doanh nghiệp.

Các tổ chức xã hội cũng có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức.

Tôi muốn nhấn mạnh sự đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội sẽ giải quyết vấn đề toàn diện, mang tính hệ thống và bài bản hơn. Đây là một câu chuyện lâu dài, không phải một năm hai năm mà là một tiến trình rất dài trong nhiều năm sắp tới.

ThS Nguyễn Quang Đồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông) - THIÊN ĐIỂU ghi
Theo Tuổi Trẻ