Quốc hội khóa XIV: Dấu ấn là những lần lắc đầu

Apr 13 2022 | Analysis - Comments
Thử xác định diện mạo và tìm ra những dấu ấn rõ nét của Quốc hội khóa XIV sắp khép lại trên cả ba mặt lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề lớn của đất nước.
Quốc hội khóa XIV: Dấu ấn là những lần lắc đầu

Share

Ông Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội ngày 31-3-2021. Ảnh: Q.P.

Nếu hỏi một cử tri bình thường về dấu ấn làm luật của Quốc hội, đa số hẳn sẽ nhớ về nhiệm kỳ này bởi những lần không bấm nút, chứ không phải 72 luật và 2 pháp lệnh được chính thức thông qua. Giữa nhiệm kỳ, đó là Luật đặc khu, và cuối nhiệm kỳ là 3 luật liên quan đến vấn đề giao thông đường bộ và đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đi tìm dấu ấn

Một khối lượng văn bản khá đồ sộ được Quốc hội khóa XIV thông qua, nhưng lại khó nhớ mặt, gọi tên, trong khi số lần hiếm hoi bấm nút chối từ tạo thành dấu ấn, có thể nói ít nhiều phản ánh đúng diện mạo một nhiệm kỳ “chuyển tiếp”.

Chuyển tiếp ở đây hiểu theo cả bối cảnh chung của đất nước lẫn bối cảnh lập pháp và nhân sự ở Quốc hội. Việc hiểu được những khó khăn của giai đoạn giao thời giúp nhìn nhận thực chất hơn đóng góp của Quốc hội khóa này; và quan trọng không kém là những di sản cho nhiệm kỳ kế tiếp.

Ở khía cạnh thứ nhất, chuyển tiếp về lập pháp 5 năm vừa qua thể hiện qua việc những vấn đề pháp luật - đặc biệt là khung khổ pháp luật cho kinh tế thị trường vận hành; các quyền cơ bản của công dân; hay nền tảng pháp lý cho bộ máy nhà nước - đã được giải quyết khá căn bản trong các nhiệm kỳ trước đây.

Nhìn rộng hơn, các khung khổ kể trên hình thành căn bản trong thập niên 1990, được điều chỉnh nhiều trong các nhiệm kỳ trước (xem khung). Vậy nên nhiệm kỳ này, dù số lượng văn bản luật khá nhiều, nhưng cơ bản có thể chia thành hai nhóm: sửa đổi (chiếm số lượng lớn) và làm mới.

Nhóm sửa đổi thiên về hướng điều chỉnh kỹ thuật, tháo gỡ vướng mắc khi thực thi - ví dụ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật đại học, Luật tổ chức Chính phủ và chính quyền địa phương…, chứ không phải là các vấn đề chính sách hay quyết sách lớn để có thể gây tranh luận phức tạp và thu hút sự chú ý của dư luận.

Ở nhóm còn lại, các luật hầu như không chứa nhiều yếu tố chính sách như luật thanh niên, dân quân tự vệ; hoặc quá thiên về quy định kỹ thuật như luật chứng khoán, kiến trúc, quy hoạch…

Bối cảnh như vậy, nhiệm vụ lập pháp 5 năm vừa qua, và rộng hơn là cả thập kỷ qua, khó có thể sôi động và tạo dấu ấn. Nếu có một điều đáng tiếc thì đó là việc Luật đất đai sửa đổi, sau nhiều thảo luận, đã không được đưa vào nghị trình. Đất đai luôn là điểm nóng - có thể nói là nóng nhất suốt 10 năm qua và giờ càng nóng. Chính sách đất đai góp phần quyết định định hình điểm nóng đó.

Từ các vụ việc tham nhũng đất vàng và các cá nhân bị truy tố đình đám (Vũ “nhôm”, Út “trọc”, Tất Thành Cang, đô đốc Nguyễn Văn Hiến…), đến các điểm nóng Thủ Thiêm, Đồng Tâm, Văn Giang, Yên Nội… Hơi thở đất đai cũng phần nào phản ánh qua chính Luật đặc khu, và việc chưa chạm được đến chính sách đất đai, có thể nói là món nợ của nhiệm kỳ này.

Khía cạnh giao thời đáng chú ý thứ 2 là nhân sự. Nghị trường sẽ khó có thể sôi động nếu thiếu những đại biểu có tầm vóc, thể hiện cả ở cá tính lẫn chuyên môn nghề nghiệp. So với giai đoạn trước, những đại biểu tạo sóng nghị trường dường như ít đi. Nhiều trí thức, chuyên gia đã lùi lại vì lý do tuổi tác.

Mặt bằng văn hóa và chuyên môn của đại biểu ít nhiều phản ánh sự chuyển giao thế hệ trong xã hội. Thế hệ sinh những năm cuối 1950 và 1960 - vốn ở độ chín để vào Quốc hội hai khóa gần đây - ít nhiều thiệt thòi trong giai đoạn hình thành nền tảng văn hóa cũng như chuyên môn.

Họ lớn lên trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh; hệ thống giáo dục nhiều xáo trộn; tiến trình công tác, trưởng thành giao thoa giữa Đổi mới và bước đầu hình thành nền kinh tế thị trường cùng mô hình quản trị nhà nước mới với bộ máy chính quyền hiện đại khác trước. Bất lợi khách quan đó phản ánh vào nghị trường.

Như thế, bối cảnh lập pháp cộng hưởng với bối cảnh con người đã định hình bộ mặt nhiệm kỳ chuyển tiếp.

​​Đồ họa: Lê Thân

Nhìn về phía trước

Sự chuyển tiếp về bối cảnh còn ở chỗ, 10 năm vừa qua, công nghệ số trỗi dậy, tạo ra nhiều đứt gãy - đi kèm là đòi hỏi trong các vấn đề chính sách mới. Mạng xã hội và điện thoại thông minh, hai nhân vật định hình bức tranh kinh tế - xã hội - văn hóa của thời mới trên khắp toàn cầu, nêu ra nhiều vấn đề pháp lý mới đầy thách thức.

Tranh cãi là khó tránh khỏi. Ứng xử thế nào với vấn đề nội dung Facebook, YouTube bị dư luận phản ứng, như Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, “nhà tôi ba đời chữa bách bệnh”, Thơ Nguyễn; thu thuế dịch vụ xuyên biên giới ra sao; người chạy Grab là lao động tự kinh doanh hay nhân viên Grab…?

Các vấn đề này cần thời gian để định hình, dần chiếm chỗ trên các diễn đàn chính sách và đi vào nghị trường. Vấn đề chưa có tiền lệ, lại xuyên biên giới, bao giờ cũng nan giải. Pháp luật quốc gia nhiều khi không đủ để chế tài hay thực thi pháp luật trên không gian mạng toàn cầu...

Quốc hội khóa XV sắp tới, những vấn đề nóng và khó nhằn như vậy sẽ ở trên bàn họ ngay khi bước vào nghị trường.

Theo Tuổi Trẻ

Quốc hội khóa XIV: Dấu ấn là những lần lắc đầu | cuoituan.tuoitre.vn